Sở hữu trí tuệ: Công cụ phát triển kinh tế, bảo vệ văn hóa trong thời đại số
Từ một bản nhạc vang lên trên nền tảng số đến sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế nhờ chỉ dẫn địa lý, tất cả đều phản ánh một thực tế: Khi ý tưởng được bảo hộ, sáng tạo mới có cơ hội sinh lời và lan toả giá trị bền vững.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” trong khuôn khổ lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ giá trị văn hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Việt Nam, hệ thống sở hữu trí tuệ đang được hoàn thiện và mở rộng không ngừng, trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và thu hút đầu tư.
Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 151.489 đơn các loại (tăng 2,2% so với năm 2023), bao gồm 88.355 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 4,5%) và 63.134 các loại đơn và yêu cầu khác.
Đáng chú ý, Cục đã xử lý được đơn 140.497 đơn các loại (tăng 17,5% so với cùng kỳ 2023), trong đó có 88.711 đơn đăng ký xác lập quyền Sở hữu công nghiệp (tăng 29,8%) và 51.786 đơn/yêu cầu khác (tăng 1,1%). Cục cấp 51.437 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (tăng 46%).
Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm và nhu cầu ngày càng lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với tài sản trí tuệ cũng như nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong xử lý đơn, cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.
"Quyền sở hữu trí tuệ đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ngày càng chủ động, đặc biệt trong chiến lược phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế", ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định.
Hiện nay, cả nước có gần 1 triệu nhãn hiệu được đăng ký, trong đó là phần lớn các doanh nghiệp trong nước. Việc sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp… đã giúp nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, lụa Vạn Phúc… vươn ra thị trường toàn cầu, tăng giá trị gấp nhiều lần.
Không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, sở hữu trí tuệ còn là "tấm khiên" giúp bảo vệ nguồn gốc xuất xứ, uy tín, bản sắc địa phương – những yếu tố sống còn trong thị trường toàn cầu hóa.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ bài bản, gắn liền với phát triển thương hiệu. Nhiều thương hiệu nội địa như Vinamilk, Viettel, Trung Nguyên… đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường quốc tế như Mỹ, EU, Nhật Bản để mở rộng kinh doanh và phòng ngừa tranh chấp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư tương xứng cho hoạt động này. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có đội ngũ chuyên trách hoặc chiến lược dài hạn trong bảo hộ tài sản trí tuệ…
"Các doanh nghiệp cần tiếp cận sở hữu trí tuệ một cách chuyên nghiệp hơn, không chỉ để bảo hộ thương hiệu mà còn như một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh tổng thể," ông Trần Lê Hồng khuyến nghị.
Việc đăng ký nhãn hiệu, sáng chế ở nước ngoài cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với kế hoạch thâm nhập thị trường, đặc điểm người tiêu dùng và hệ thống pháp lý sở tại. Đây là bước đi quan trọng để doanh nghiệp không chỉ giữ được bản quyền, mà còn bảo vệ được lợi ích dài hạn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay cho thấy sở hữu trí tuệ không chỉ là nội lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế mà còn là phương tiện bảo vệ kho tàng nghệ thuật của nhân loại.
Không chỉ là công cụ phát triển kinh tế, sở hữu trí tuệ còn giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ tài sản văn hóa và tinh thần của cộng đồng. Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4) năm nay là "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc – Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ" một lần nữa khẳng định vai trò này của sở hữu trí tuệ.
Âm nhạc là sản phẩm trí tuệ độc đáo, là sự kết tinh giữa sáng tạo, trí tuệ, cảm xúc và bản sắc văn hoá. Tuy nhiên, trong môi trường số, việc bảo vệ các sản phẩm âm nhạc đang đối mặt với nhiều thách thức. Một bản nhạc, video có thể bị sao chép và phát tán trái phép chỉ trong vài phút sau khi phát hành.
"Sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, không chỉ là tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ bảo vệ các kho tàng nghệ thuật của nhân loại", ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh.
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi cách âm nhạc được sáng tác, biểu diễn và phân phối. Nhưng đồng thời, AI cũng đặt ra các vấn đề pháp lý mới về quyền tác giả, khi ranh giới giữa sáng tạo con người và máy móc ngày càng mờ nhạt.
Điều đó đòi hỏi Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý thích ứng với xu hướng công nghệ mới, đồng thời bảo vệ quyền và thu nhập chính đáng của nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc trong nước.
Xây dựng tương lai sáng tạo trên nền tảng sở hữu trí tuệ
Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chiến lược để đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Trong cả ba trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Cục đang hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hoá quy trình xử lý đơn, tăng cường phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến hợp tác quốc tế cũng đang được triển khai nhằm giúp Việt Nam tiếp cận các mô hình quản lý sở hữu trí tuệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ và khơi thông dòng chảy sáng tạo trong xã hội.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý, mà còn là động lực tinh thần để thúc đẩy sáng tạo, cống hiến. Một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để người nghệ sĩ, nhà sáng chế, doanh nhân và cả cộng đồng có thể an tâm sáng tạo, đóng góp và phát triển những giá trị văn hoá, khoa học, công nghệ vì sự thịnh vượng lâu dài.