Chỉ trong 7 tháng đầu năm thanh toán qua internet đạt 240,9 triệu giao dịch
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), 7 tháng đầu năm 2020 số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ; trong đó lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động chiếm áp đảo khi đạt 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 186,3% về giá trị so với cùng kỳ. Con số trên cho thấy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế có sự tăng trưởng mạnh.
Việc mua sắm trực tuyến gia tăng đang thúc đẩy hình thức thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam |
Trao đổi với PV báo Công thương, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thói quen mua sắm online của người Việt đã có sự thay đổi đáng kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo đó họ mua sắm trực tuyến nhiều hơn trước đây để giảm tiếp xúc trực tiếp. Từ việc mua sắm trực tuyến tăng đã góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Ghi nhận từ các trang thương mại điện tử cũng cho thấy người Việt có xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng đáng kể trong đại dịch. Cụ thể, các dữ liệu từ trang thương mại điện tử Shopee công bố gần đây cho thấy, trung bình, tổng thời gian mua sắm trên Shopee trong 1 tuần của người dùng Việt tăng hơn 25%. Đặc biệt, Shopee nhận thấy người dùng đang ngày càng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, điển hình như sử dụng ví AirPay để chi trả cho các hoạt động mua hàng trên Shopee trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, theo các chuyên gia còn do các nhà vận hành thương mại điện tử tích cực đưa ra những chương trình khuyến khích người mua, giúp họ thấy được “cái lợi” từ việc thanh toán không tiền mặt, từ đó sử dụng hình thức này nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - đánh giá: Lâu nay người ta cứ nói người Việt chưa thanh toán không tiền mặt nhiều là do thói quen. Tuy nhiên đây là ý kiến chưa chính xác bởi rào cản chính là người tiêu dùng chưa thấy được rằng việc thanh toán này là cần thiết và nó có lợi ích gì cho họ. “Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt Việt Nam cần có quy định vừa bắt buộc, vừa khuyến khích nhằm giúp cả người bán lẫn người mua đều thấy được lợi ích của hình thức thanh toán này”, ông Dũng đề xuất.
Thực tế, nhận thức được những rào cản trên, gần đây các sàn thương mại điện tử, ví điện tử đã có những động thái tích cực như tăng khuyến mãi cho khách hàng khi sử dụng thanh toán không tiền mặt. Đơn cử như ví điện tử AirPay gần đây đã liên tục tung ra loạt chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng như: “Tuần lễ không tiền mặt” cho người dùng ví AirPay trên Shopee vào các ngày từ 21-27/9/2020, ưu đãi cho người dùng khi thanh toán mua sắm trực tuyến bằng ví AirPay trong sự kiện 10.10 trên Shopee…
Thậm chí mới đây, một số sàn thương mại điện tử còn bắt tay với ngân hàng và đơn vi thanh toán thẻ cho ra đời thẻ tín dụng nhằm giúp thanh toán trên sàn thuận tiện hơn. Có thể kể như việc Tiki ra mắt thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum vào tháng 5/2020 vừa qua. Hay mới đây, Shopee đã hợp tác với VPBank và Visa ra mắt thẻ tín dụng VPBank - Shopee. Theo thỏa thuận hợp tác, trong vài tháng tới, Shopee và Visa sẽ ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu trên các thị trường được lựa chọn hợp tác với các ngân hàng địa phương. Điều này sẽ mang lại cho người mua hàng những tính năng tích hợp liền mạch, ưu đãi nổi trội hơn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá mô hình liên kết kể trên không chỉ hỗ trợ tốt cho các nhà bán lẻ trực tuyến nâng cao doanh thu trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mà còn hỗ trợ thực hiện định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế số, hạn chế dùng tiền mặt.
Thanh Tùng (T/h)