Startup Đông Nam Á “thắt lưng buộc bụng” vượt qua đại dịch

Minh Phương 00:01, 22/04/2020

Các startup Đông Nam Á cũng đối mặt với trận chiến khác, đó là việc hết tiền do không thể huy động vốn các nhà đầu tư.

Startup thanh toán điện tử FOMO Pay đã dự đoán một năm tăng trưởng đầy hứa hẹn phía trước khi ngành công nghệ tài chính (fintech) Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ về số người dùng chi tiêu qua ví điện tử. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ tưởng tượng về đại dịch toàn cầu đã buộc các doanh nghiệp và hộ gia đình phải lui về sau, cách ly xã hội để giảm lây lan virus trong cộng đồng.

FOMO ghi nhận giao dịch sụt giảm hơn 50% trong tháng 2/2020 khi Covid-19 càn quét qua khu vực. Công ty phải cho một số nhân viên bán thời gian nghỉ việc, hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Đồng sáng lập Zack Yang cho biết việc này giúp FOMO giảm khoảng 10 tới 20% chi phí. Ông đánh giá đây là tình hình rất tồi tệ.

Các startup Đông Nam Á cũng đối mặt với trận chiến khác, đó là việc hết tiền do không thể huy động vốn các nhà đầu tư.

Theo dữ liệu từ trang thông tin tài chính DealStreetAsia, đầu tư vào startup tại Đông Nam Á của các nhà đầu tư mạo hiểm và tổ chức khác đạt 9,5 tỷ USD năm 2019, giảm khoảng 30% so với năm 2018. Nó cho thấy các nhà đầu tư đang lựa chọn kỹ càng hơn sau khi nhiều startup tưởng bom tấn lại thành bom xịt.

Khi mà các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, đại dịch tấn công nền kinh tế toàn cầu và thị trường vốn trong quý I khiến startup càng khó khăn hơn trong huy động vốn. GV Ravishankar, Giám đốc quản lý Sequoia Capital India, cảnh báo các nhà sáng lập startup hồi đầu tháng này về số tiền huy động được sẽ rất nhỏ và khuyên họ cắt giảm chi phí “nhanh và sâu”.

Theo Yang, startup của ông buộc phải giảm lương từ 20% đến 50%. FOMO chỉ là một trong số nhiều startup non trẻ của Đông Nam Á đối mặt với thời kỳ khó khăn vì dịch bệnh.

Yang và các đồng nghiệp phải dựa vào nhau trong cộng đồng bao gồm hơn 30 doanh nhân đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong nhóm “SEA Founders”.

Giden Lim, CEO startup giao hoa BloomThis của Malaysia, một thành viên của SEA Founders, cho hay công ty của mình bị tác động mạnh vì lệnh kiểm soát đi lại, cấm tụ tập đông người và du lịch trong – ngoài nước. Doanh thu của BloomThis giảm tới 90% và không biết còn kéo dài tới khi nào, khiến họ cảm thấy bị áp lực về tài chính.

SEA Founders phát hiện hơn 70% startup xem doanh thu bị trì hoãn là thách thức lớn nhất, 62% cho rằng giảm đốt tiền là yêu cầu khẩn cấp.

Lim nói startup buộc phải loại bỏ tất cả chi phí tiếp thị, xin chủ nhà giúp đỡ, tìm kiếm hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương. “Chúng tôi phải sẵn sàng cho việc có thể mất 12 tháng hoặc hơn để phục hồi. Cố giảm chi phí hết sức và tìm kiếm cơ hội mới là điều sống còn để vượt qua khủng hoảng này”.

Nhà phát triển game Agate International của Indonesia quyết định dừng tuyển dụng mới do một số khách hàng hoãn thanh toán. Giám đốc điều hành Shieny Aprilia nói đang chuẩn bị cho kế hoạch 6 tới 12 tháng cho tới khi mọi thứ về lại bình thường.

Sau khi thực hiện khảo sát trong số các thành viên, SEA Founders phát hiện hơn 70% startup xem doanh thu bị trì hoãn là thách thức lớn nhất, 62% cho rằng giảm đốt tiền là yêu cầu khẩn cấp.

Ngay cả những startup có tài chính dồi dào thông qua các nỗ lực huy động vốn trong quá khứ cũng không “miễn dịch” trước khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO ví điện tử YouTrip của Singapore, thừa nhận công ty phải giảm lương ở cấp quản lý và giảm chi phí tiếp thị 50% dù trước đó gọi vốn thành công 30 triệu USD. Cô cho biết do khách hàng giảm chi tiêu, họ cũng bị ảnh hưởng.

Các startup khác còn trải qua nhiều đau khổ hơn. “Kỳ lân” Traveloka của Indonesia phải sa thải khoảng 100 người, tương ứng 10% nhân sự. Covid-19 đã tàn phá nặng nền ngành công nghiệp du lịch, buộc Traveloke phải hoàn số tiền khổng lồ trong tháng 2.

Hạn chế đi lại cũng gây đau đầu cho startup đang tìm vốn. Hyuk-Tae Kwon, CEO của hãng đầu tư Pine Venture Partners, nói sẽ tập trung hoàn tất các giao dịch trước đó. Ông không tìm kiếm các thương vụ mới do không có cơ hội gặp mặt trực tiếp, trong khi đầu tư mạo hiểm là ngành công nghiệp rất nhạy cảm, không thể chỉ nhìn vào bảng biểu và giấy tờ.

Dù startup có thể dựa vào các gói cứu trợ từ chính phủ, Jixun Foo – đối tác quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm GGV Capital – cho rằng startup nên tối ưu hóa hoạt động và trông cậy vào nhân tài của mình.

Nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính tốt hơn và củng cố một số hoạt động. Làm được điều này, nó sẽ cho thấy sức mạnh của công ty với nhà đầu tư tương lai do khả năng xử lý khủng hoảng là một trong các yếu tố mà nhà đầu tư tìm kiếm trong bất kỳ nhà lãnh đạo nào”.

PV (T/h)