Sự cần thiết trong tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo an toàn thông tin mạng

13:40, 09/12/2024

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn thông tin mạng sự cần thiết phải có những hoạt động thiết thực trong việc đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế. Đây chính là hoạt động mang ý nghĩa quan trọng chống lại các mối đe dọa mạng đang không ngừng gia tăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phổ cập internet hàng đầu thế giới, với 78,44 triệu người sử dụng internet tính đến đầu năm 2024, tương đương 79,1% dân số. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023, đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh chỉ riêng trong vấn đề lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tăng 64,78% so với năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 8/2024 đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Trước tình trạng này việc hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Thực tế thời gian qua Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy tăng cường hợp tác các giữa các tổ chức, quốc gia nhằm thúc đẩy hiệu quả đổi mới, bảo mật cơ sở hạ tầng số và bảo vệ chống lại các mối đe dọa mạng đang không ngừng gia tăng thời gian qua.

Đàm phán xây dựng dự thảo Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng

Nhận thức được mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ tội phạm mạng, sự cần thiết tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã cùng các cơ quan chức năng Việt Nam tham gia thảo luận và đàm phán văn kiện ngay từ giai đoạn đầu tiên trong năm 2022.

Việc nhất quán ủng hộ việc thành lập cơ chế đàm phán và tham gia tích cực xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định quốc tế.

Trong đó Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, đàm phán xây dựng dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng là một trong những tiến trình thương lượng đáng chú ý nhất tại Liên hợp quốc trong thời gian qua, với sự tham gia đóng góp trực tiếp của hơn 150 quốc gia. 

Dự thảo Công ước là kết quả của một quá trình thương lượng, thỏa hiệp xung quanh các luồng quan điểm, lợi ích và thực tiễn quốc gia khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về phạm vi áp dụng Công ước, các nguyên tắc trong thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ... Vì vậy, thành công của đàm phán dự thảo Công ước rất đáng khích lệ, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực số giữa các quốc gia.

Hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin mạng. Ảnh minh họa

Hoạt động hợp tác trao đổi thông tin khoa học giữa các trường đại học khu vực Đông Nam Á

Liên quan tới việc hợp tác quốc tế để đảm bảo trong an toàn thông tin mạng, GS. TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức phức tạp của an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Ông chia sẻ: “Trong thế giới ngày càng kết nối này, tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế là không thể phủ nhận. Tại Hội thảo thường niên của Trường UEC Nhật Bản tổ chức về tin học, điện tử viễn thông và định hướng hợp tác với các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á đã cung cấp một nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy quan hệ đối tác và chia sẻ kiến ​​thức. Không chỉ sự hợp tác giữa UEC và các trường đại học Việt Nam, các trường đại học khác trong khu vực Đông Nam Á, mà cả các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin khoa học cũng là minh chứng mạnh mẽ cho mối quan hệ giữa hai Chính phủ và nhân dân hai quốc gia”.

Một trong những điểm nhấn của Hội thảo là việc thảo luận về các sáng kiến nghiên cứu chung giữa Trường UEC Nhật Bản và các Trường Đại học tại Đông Nam Á. Chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên cũng là một chủ đề được quan tâm đặc biệt. Các đại biểu đã thảo luận về các cơ hội trao đổi ngắn hạn và dài hạn cho sinh viên và giảng viên, trong đó có chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn JUSST và học bổng MEXT từ chính phủ Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội để các sinh viên có thể tiếp cận với nền giáo dục và nghiên cứu khoa học tiên tiến của Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia.

Một phần quan trọng khác của Hội thảo là phiên thảo luận về hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam. Hội thảo đã trình bày về những dự án hợp tác giữa UEC và các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của Hiệp hội Cựu sinh viên UEC tại Việt Nam. Những dự án này không chỉ giúp đẩy mạnh mối liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển công nghệ và kinh tế của Việt Nam thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản.

Ngoài ra thông qua Hội thảo các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam,… đã chia sẻ về những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực như hệ thống thông tin, mạng 5G/6G và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong điều chỉnh cung cầu năng lượng. Các bài trình bày về hệ thống giáo dục và nghiên cứu sinh của UEC cũng giúp mở ra cơ hội hợp tác mới giữa các trường đại học và tổ chức trong khu vực.

Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng

Sự kiện mới đây nhất, Cục An toàn thông tin (AIS) và Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA), Bộ An ninh Nội địa, Hoa Kỳ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng… 

Tại lễ ký kết, ông Trần Quang Hưng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác với CISA trong việc nâng cao năng lực an toàn thông tin mạng cho Việt Nam. Trước các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi, Biên bản ghi nhớ này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng số quan trọng và đảm bảo không gian mạng an toàn. Việc hợp tác với một tổ chức giàu kinh nghiệm như CISA không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn góp phần vào một tương lai an toàn, thịnh vượng hơn trên toàn cầu.

Về phía đối tác Hoa Kỳ, ông Trent Frazier, Phó Giám đốc Phụ trách Quan hệ Đối tác Quốc tế CISA, cho biết hợp tác và cộng tác là chìa khóa để bảo vệ thành công cơ sở hạ tầng quan trọng và nâng cao hơn nữa năng lực an toàn mạng. Biên bản ghi nhớ sẽ tăng cường quan hệ đối tác sẵn có giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giúp Hoa Kỳ có thể thúc đẩy hiệu quả đổi mới, bảo mật cơ sở hạ tầng số và bảo vệ chống lại các mối đe dọa mạng đang không ngừng gia tăng. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Biên bản ghi nhớ, đồng thời mong muốn quan hệ hợp tác ngày càng bền vững, phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nguyên tắc quy định về hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng

 Căn cứ quy định Điều 6 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định về quy định về hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng phải tuân thủ các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi;  Phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nội dung hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng gồm: Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ về an toàn thông tin mạng; Hợp tác quốc tế trong phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng; điều tra, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng, ngăn chặn hoạt động lợi dụng mạng để khủng bố; Hoạt động hợp tác quốc tế khác về an toàn thông tin mạng.