Sử dụng và bảo trì điện thoại cố định
Hiện có hàng chục triệu thuê bao điện thoại cố định. Nhưng việc sử dụng và bảo quản tốt chiếc điện thoại đầu cuối thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ.
Kiểm tra hệ thống đường dây nội bộ đi trong toà nhà:
a, Trong trường hợp dây đi ngoài tường, được nối trực tiếp tới máy điện thoại:
- Nếu mối nối là ở ngoài trời, cần lưu ý sử dụng rệp nối. Hạt rệp có tác dụng kẹp chặt, có dầu hoặc mỡ bên trong, chống nước mưa và không khí xâm nhập vào gây han rỉ phần đấu ghép. Nếu không sử dụng rệp sẽ gây ra rỉ sét tại điểm đấu nối, gây tín hiệu chập chờn hoặc chất lượng tiếng kém.
- Kiểm tra đường dây đi tới máy, đảm bảo không bị gẫy gập, kẹp đứt, đứt ngầm khi đi qua các khe cửa, lỗ xuyên dây. Tốt nhất là nên sử dụng mũi khoan dài 25 cm, khoan xuyên qua lớp tường (thường là <25m), có lỗ để đút dây.
- Đường dây nội bộ ngoài trời kéo ở các khu resort, các điểm ngoại thành, các khu công nghiệp lưu ý cần có thiết bị chống sét tại các điểm đầu cuối, măng xông cáp kết nối, ống luồn dây bằng nhựa, ...
- Điểm đấu nối trước khi kết nối với điện thoại thường là bao diêm hoặc hộp wall box. Đề phòng mua các thiết bị này bởi các đơn vị chuyên nghiệp và được đấu ghép đúng theo tiêu chuẩn. Nếu không rất dễ mua phải hạt dởm, gây chập, hỏng hạt và điện thoại. Tín hiệu theo đó cũng chập chờn.
b, Trường hợp dây nội bộ đã được đi chìm trong tường:
- Dây trong tường cần được đi trong ống nhựa có khả năng luồn dây tiếp hoặc đi trong ống soắn.
- Dây trong tường thường là dây có dự phòng, tối thiểu 2 đôi dây, dây phải có bọc kim chống nhiễu, chống ẩm và phải là dây có chất lượng tốt.
- Dây đi trong tường không được ghép nối, cần liền một mạch.
- Dây đi trong tường liên thông giữa các tầng nên sử dụng cáp 10x2, 20x2,...thường hoặc cáp dầu để đảm bảo không bị đứt. Cáp đi trong tường không nên để gẫy gập quá 60 độ.
- Điểm đấu nối giữa cáp liên thông tầng và các đường nội tầng cần sử dụng hộp cáp chuyên dụng của ngành.
- Điểm đấu nối trước khi kết nối với điện thoại thường là bao điêm hoặc hộp wall box. Đề phòng mua các thiết bị này bởi các đơn vị chuyên nghiệp và được đấu ghép đúng theo tiêu chuẩn. Nếu không rất dễ mua phải hạt dởm, gây chập, hỏng hạt và điện thoại. Tín hiệu theo đó cũng chập chờn.
- Các hộp bao diêm và wall box cần đặt ở vị trí cao, đảm bảo không bị ẩm bởi hơi nước hoặc nước rớt vào.
Kiểm tra hệ thống thiết bị đầu cuối:
- Nên để điện thoại tránh xa tường ẩm, cửa sổ
a, Đối với điện thoại không dây:
- Nên cắm sạc đúng chủng loại và thông số kỹ thuật (một số nhà dùng nhiều điện thoại kéo dài hay cắm nhầm nguồn của nhau gây hỏng, đặc biệt sau khi chuyển nhà)
- Nên đặt điện thoại ở gần vị trí trung tâm nhất tầng nhà, toà nhà. VD: toà nhà 5 tầng, cầu thang giữa thì nên để ở gần cầu thang của tầng 3.
- Nên mua loại điện thoại có nhiều tay con và có khả năng mở rộng thêm tay con nếu cần thiết.
b, Đối với điện thoại để bàn:
- Nên lắp Pin cho điện thoại có màn hình
- Nên tháo điện thoại ra, dùng giẻ ẩm vệ sinh sạch bụi thường xuyên.
(Chuyên mục được sự tư vấn của kỹ sư Hoàng Mai Chung, Công ty Vctel)