Sứ mệnh Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia: Tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, chuẩn mực quốc tế
Theo ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted), Quỹ mang sứ mệnh là nơi tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế, nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, thúc đẩy tạo ra các sản phẩm công nghệ chiến lược, nâng vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ quốc tế.
Ông Đào Ngọc Chiến: Nafosted mang sứ mệnh là nơi tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế.
Để thực hiện được sứ mệnh đó, ông Đào Ngọc Chiến cho biết Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chỉ đạo mang tầm nhìn chiến lược để Quỹ lấy đó làm nền tảng xây dựng định hướng hoạt động và phát triển của Quỹ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đột phá về khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).
Từ những kim chỉ nam đó, ông Đào Ngọc Chiến cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ trọng tâm mà Quỹ sẽ thực hiện ngay trong giai đoạn này.
Một là xây dựng chiến lược hoạt động của Quỹ hướng đến góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Hai là chú trọng và thúc đẩy hội nhập quốc tế để rút ngắn khoảng cách tri thức, nâng cao năng lực nội sinh và góp phần đẩy mạnh sự sáng tạo trong nghiên cứu.
Ba là tối ưu hóa quy trình, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) dễ dàng tiếp cận với nguồn lực của Quỹ. Số lượng nghiên cứu có thể giảm nhưng quy mô và chất lượng tăng.
Bốn là tập trung đầu tư phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; chấp nhận thách thức, rủi ro nhưng tập trung vào đánh giá hiệu quả đầu ra, đặc biệt là khả năng thương mại hoá của sản phẩm nghiên cứu.
Năm là xác định đội ngũ nhân sự là lực lượng then chốt đóng góp cho sự phát triển và hiệu quả hoạt động của Quỹ, do đó, Quỹ chú trọng tạo điều kiện nâng cao năng lực cốt lõi bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực số, năng lực hợp tác quốc tế…
Sáu là xây dựng một không gian làm việc chuyên nghiệp, hiện đại sẽ là động lực khuyến khích sự sáng tạo, say mê cống hiến để đạt được hiệu quả công việc tốt nhất.
Bảy là xây dựng nền tảng số với mục tiêu là nơi chia sẻ tài nguyên, kết nối các nhà khoa học, tổ chức, DN, mở ra các cơ hội hợp tác, tăng cường mối liên kết viện trường - DN.
Cùng với những nhiệm vụ nêu trên, ông Đào Ngọc Chiến cam kết: “Quỹ sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, mà còn bằng sự lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ kịp thời, để mọi ý tưởng khoa học có giá trị đều có cơ hội được nuôi dưỡng, phát triển và lan toả. Tất cả vì một đất nước tự cường về công nghệ, làm chủ tri thức, làm chủ tương lai”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cùng Giám đốc NAFOSTED Đào Ngọc Chiến chụp ảnh với 10 nhóm tiêu biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, DN và nhà sáng chế cam kết triển khai các công trình nghiên cứu và ứng dụng KHCN trọng điểm.
Tái cơ cấu tổ chức: Tinh gọn, hiệu quả và hội nhập
Trước đó, ngày 15/5/2025, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia” được tổ chức chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5, ông Đào Ngọc Chiến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 8/4/2025 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-BKHCN về việc điều chuyển nguyên trạng nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản và các nội dung liên quan từ Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia về Nafosted trực thuộc Bộ KH&CN.
Theo đó, Quỹ trở thành cơ quan điều hành duy nhất các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đảm nhận cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất. Mô hình mới giúp tinh gọn đầu mối, thống nhất quản lý, giảm thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong công tác quản lý.
Ông Đào Ngọc Chiến cho biết, trong bối cảnh dự thảo Luật KHCN và ĐMST đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, với những yêu cầu mới đặt ra, việc tái cơ cấu và nâng cao năng lực hoạt động của Quỹ là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn với sứ mệnh và tầm nhìn phát triển lâu dài của Quỹ trong giai đoạn tới.
Chia sẻ về hiện trạng hoạt động của Quỹ, ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cho biết, thời gian qua, chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ có chiều hướng tăng; số lượng các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia cũng tăng và được trẻ hóa; nhiều nhiệm vụ được DN và tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ…
Ông Phạm Đình Nguyên: Chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ có chiều hướng tăng; số lượng các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia cũng tăng và được trẻ hóa.
Đặc biệt, ông Phạm Đình Nguyên cho biết thêm có sự cải thiện trong các chỉ số ĐMST toàn cầu (GII), đóng góp giải quyết các vấn đề thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như kết nối giữa nghiên cứu cơ bản - ứng dụng - thương mại hóa chưa chặt chẽ; một số đề tài xuất sắc chưa nhận được hỗ trợ xứng đáng do các rào cản về cơ chế đánh giá, khoán chi, thời gian thực hiện…
Trong thời gian tới, Quỹ đặt kỳ vọng đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số công bố quốc tế/tỷ USD; chỉ số H-index thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; tăng 15% số lượng đơn sáng chế, văn bằng bảo hộ mỗi năm. Dự kiến Quỹ sẽ hỗ trợ 40 - 50 tổ chức KH&CN được xếp hạng, và các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, hướng tới tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030… Qua đó, hình thành hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao, nâng cao hiệu quả tài trợ, đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng cường vị thế khoa học của Việt Nam./.