Tăng 50% khách hàng online mới sau đại dịch
Sau Covid-19, người dân được khuyên ở nhà tránh dịch đã khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng trên Internet. Từ đó một nửa người dùng trên Tiki là khách hàng mới và lần đầu mua sắm.
Trong thời điểm dịch bệnh, giá cả không còn là yếu tố quan trọng duy nhất, thay vào đó là chất lượng sản phẩm và dịch vụ xứng đáng với số tiền bỏ ra. Đồng thời, tốc độ giao hàng nhanh và linh hoạt theo lịch đặt hàng, dịch vụ tư vấn kịp thời, trải nghiệm mua sắm xuyên suốt, là các yếu tố cộng thêm.
Chinh bởi vậy, nền tảng mua sắm trực tuyến phải xây dựng được các giải pháp hậu cần và chuỗi cung ứng thông minh. Đội ngũ giao hàng (shipper) cũng cần có ứng dụng để xác định cung đường vận chuyển thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Sau Covid-19, thêm 50% người mua sắm online là khách mới.
Sau khi bảo đảm được tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm, cần tính tới việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Cụ thể, cần cá nhân hoá các loại hàng hoá hiển thị cho từng khách hàng khác nhau, đồng thời giới thiệu đến người mua nhưng sản phẩm của đối tác bán hàng uy tín nhất. Cuối cùng, cần có giải pháp thanh toán trực tuyến tiện lợi và an toàn trong thanh toán cho cả người mua và người bán.
Từ những yếu tố trên, việc mua hàng online đã trở nên phổ biến hơn. Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết: "Nhóm khách hàng mới là đối tượng chưa có nhiều trải nghiệm trên các sàn thương mại điện tử. Do đó, sự đơn giản, nhanh chóng, an toàn khi mua sắm trực tuyến sẽ giúp trải nghiệm từ những lần đầu của họ mượt mà hơn, giữ họ ở lại với hình thức mua sắm này trong những lần tiếp theo".
Tại diễn đàn "Toàn cảnh Thương mại Điện tử Việt Nam 2020”, bà Vũ Thị Ánh Tuyết - Chánh văn phòng Lazada Việt Nam thông tin rằng có những người chưa từng nghĩ đến việc mua hàng online nhưng trong giai đoạn dịch đã mua hàng qua mạng. Việc được khuyên ở nhà tránh dịch đã khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng trên Internet.
Việc được khuyên ở nhà tránh dịch đã khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng trên Internet.
Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết từ tháng 2 đến tháng 4, một số mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay, hay các mặt hàng thiết yếu khác tăng trưởng mạnh. “Đánh giá sơ bộ cho thấy người tiêu dùng rất lạc quan về thương mại điện tử sau giai đoạn dịch”, bà Nguyễn Thuý Anh - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết: Kế hoạch tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm được đặt lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C. Tuy nhiên sau cú hích gần đây, phía Cục dự báo kết quả tăng trưởng 5 năm tới có thể sẽ vượt kế hoạch.
Dung Hoàng