Tăng trưởng tín dụng: Hai bàn tay mới vỗ thành tiếng

14:48, 20/01/2025

Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng bằng việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank xung quanh vấn đề này.

Một chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2024 đối với hệ thống ngân hàng là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Với sứ mệnh cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân - khu vực chủ lực của nền kinh tế, năm 2024, Agribank đã giảm lãi suất như thế nào?

Bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank

Với sứ mệnh là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển “tam nông” và mục tiêu hướng đến là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong hơn 1,7 triệu tỷ đồng vốn tín dụng Agribank cung ứng cho thị trường, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm gần 65%. Agribank tiếp tục mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và theo hướng đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có giá trị cao hơn. Theo đó, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị, đáp ứng xu hướng chung, xu hướng tất yếu là truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Hay nói cách khác, để đạt được những tiêu chuẩn quốc tế buộc chúng ta phải thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chứ không manh mún như trước đây.

Là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chủ lực trên thị trường tài chính, Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Đây là nỗ lực rất lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sách này phản ánh sự nhất quán đối với định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua. Theo đó, Agribank đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1-2,5%/năm - cao hơn nhiều so với mức giảm của lãi suất huy động. Trong năm 2024, lãi suất cho vay bình quân của Agribank đã giảm khoảng 1,5%/năm so với đầu năm - giảm sâu hơn so với tốc độ giảm bình quân toàn hệ thống ngân hàng (0,96%/năm).

Năm 2024, Agribank đã cung ứng ra thị trường 1,7 triệu tỷ đồng vốn tín dụng, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Bà có thể cho biết những kết quả ban đầu về tình hình triển khai cho vay sau cơn bão số 3 (Yagi) tại các địa phương phía Bắc?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, ngay sau khi cơn bão Yagi ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, Agribank đã triển khai chính sách giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ. Đến thời điểm này, Agribank đã hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 25.000 khách hàng với dư nợ trên 43.000 tỷ đồng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi doanh số trên 11.000 tỷ đồng với hơn 3.000 khách hàng. Đồng thời, Agribank đã triển khai hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP và Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Ngày 4/12/2024, ngay khi NHNN ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do bão số 3, Agribank đã kịp thời triển khai nội dung này đến các chi nhánh để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống.

Được biết, năm qua, Agribank đã đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Lý do nào khiến Agribank quyết định cho vay lĩnh vực này?

Xuất khẩu là 1 trong 5 nhóm ngành ưu tiên đầu tư tín dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản (lúa gạo, trái cây, lâm thủy sản) là lĩnh vực Agribank đẩy mạnh các chính sách tín dụng ưu đãi nhằm triển khai có hiệu quả chương trình cho vay theo chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của nước ta.

Như chương trình tín dụng ưu đãi cho vay lâm, thủy sản quy mô 30.000 tỷ đồng của NHNN, thời điểm đầu tiên, Agribank đăng ký 3.000 tỷ đồng và đến nay đã tăng lên 13.000 tỷ đồng. Song song đó, năm 2024, Agribank đã triển khai chương trình cho vay khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô 20.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2025, Agribank dành quy mô gần gấp đôi năm 2024 tài trợ hoạt động khách hàng sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với 35.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn bằng VND. Lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,6%/năm cùng nhiều ưu đãi về tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ. Doanh nghiệp duy trì số dư tiền gửi bằng USD sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay bằng VND chỉ từ 2,4%/năm.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ trước đây được triển khai khá chậm chạp, nhưng đã có chuyển biến thời gian gần đây. Bà có nhận định gì về diễn biến này, cũng như thông tin về tình hình triển khai Nghị quyết 33 tại Agribank?

Theo dõi trong quý IV/2024 cho thấy, các khó khăn liên quan đến pháp lý dự án đã được các địa phương bắt đầu tháo gỡ. Nhiều chủ đầu tư phản ánh với chúng tôi rằng, có những hồ sơ pháp lý trước đây có thể là nửa năm mới giải quyết được, thì nay 2 tháng đã xử lý xong. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến pháp lý dự án, tôi cho rằng, triển khai cho vay đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Ngày 3/1/2025, NHNN đã có Công văn số 55/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc chương trình này vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được NHNN thông báo. Đây là chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng dành nguồn lực đẩy mạnh các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Agribank đã đăng ký tham gia chương trình này với quy mô tín dụng là 30.000 tỷ đồng và triển khai trong 10 năm. Đến ngày 31/12/2024, Agribank đã cấp tín dụng cho 13 chủ đầu tư và gần 300 khách hàng cá nhân với tổng mức tín dụng gần 4.000 tỷ đồng và dư nợ đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, Agribank đang tiếp cận và xem xét cấp tín dụng đối với 5 dự án, tổng mức tín dụng dự kiến gần 3000 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2024, NHNN đã có những văn bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho năm 2025. Với động thái mạnh mẽ từ nhà điều hành, Agribank có những hành động khẩn trương như thế nào?

Về tăng trưởng tín dụng năm 2025, Agribank đã được NHNN hướng dẫn cách tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa. Theo đó, Agribank được tăng trưởng tín dụng lên tới 13% và với quy mô dư nợ hiện nay là trên 1,7 triệu tỷ đồng, Agribank được tăng trưởng tín dụng tối đa khoảng 220.000 tỷ đồng trong năm 2025. Với những nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và mục tiêu GDP Chính phủ đặt ra 8%, tôi cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm 2025, Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Agribank đã dành hơn 210.000 tỷ đồng vốn cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2025. Có thể kể đến chương trình tín dụng 5.000 tỷ đồng và 100 triệu USD thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp FDI; 35.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn tài trợ hoạt động của các doanh nghiệp lớn; 60.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 30.000 tỷ đồng vốn trung - dài hạn tài trợ doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư.

Đối với khách hàng cá nhân, Agribank đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng quy mô hơn 110.000 tỷ đồng dành cho vay tiêu dùng hỗ trợ nhu cầu đời sống, vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và hướng đến tín dụng xanh.