Tạo hành lang pháp lý để phát triển các nguồn năng lượng mới

09:37, 17/08/2024

Với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, Luật điện lực (sửa đổi) cần mở ra những cơ chế về phát triển nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế và hướng tới phát thải ròng về 0 theo cam kết của Việt Nam tại COP 26…

Hiện nay, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu vẫn bị coi là một “công trình xây dựng”.

Tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)” mới đây, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Phát triển các nguồn điện, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam đã gây ra hiện tượng thừa nguồn và quá tải cục bộ trong thời gian ngắn ở một số điểm trên lưới truyền tải nội miền.

Ngoài ra, chính sách phát triển năng lượng tái tạo cũng còn nhiều bất cập. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện 8) khó có thể thực hiện được do thiếu cơ sở pháp lý, quy định pháp luật hiện hành, chưa có cơ chế chính sách cụ thể về phát triển điện gió ngoài khơi.

MỞ CƠ CHẾ CHO PHÁT TRIỂN DỰ ÁN LƯU TRỮ ĐIỆN NĂNG

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư EverSolar, cho rằng 3 loại nguồn năng lượng mới (khả dụng với Việt Nam) mà thế giới đang trông chờ là điện hạt nhân; khí và LNG; điện năng lượng tái tạo.

Điện khí, LNG hiện chưa phải là lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên đây vẫn là nguồn điện quan trọng, ổn định, đáp ứng nhu cầu cân bằng hài hòa lưới điện trong tương lai. Do đó, theo ông Cường, Luật điện lực sửa đổi quy định “mở” về điện khí và nhiệt điện sử dụng LNG là phù hợp.

Song bên cạnh điện khí, thủy điện lớn, vai trò điều tiết tần số lưới chỉ còn có thể trông chờ vào lưu trữ năng lượng quy mô lớn. Đây là điều chưa được nhắc tới trong Luật Điện lực sửa đổi lần này. Lưu trữ năng lượng có thể dựa trên trọng lực (thủy điện tích năng), hóa năng (pin lưu trữ lithium, pin sắt, pin muối, nhiệt điện với lò hơi đốt nóng bằng muối).

Theo đại diện EverSolar, Chính phủ cần quy định rõ ràng, các cơ chế cần cởi mở hơn, giao vai trò tiên phong trong nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển dự án lưu trữ điện năng cho khối doanh nghiệp tư nhân, huy động nguồn lực xã hội vào phát triển năng lượng tái tạo và lưu trữ điều tần.

Cũng theo ông Cường, hiện giá thành tấm quang năng đã có sự thay đổi. Nếu tính từ khi Việt Nam bắt đầu có chính sách ưu đãi về điện mặt trời (Quyết định 11/2017-QĐ-TTg), giá giảm tới 70% (từ giá phổ biến trên 30cent/wp về ngưỡng 10 cent/wp), và dung lượng 1 tấm tăng lên gấp đôi (từ phổ biến 330wp lên 680wp tại thời điểm này).

“Chúng ta cần nghiên cứu để Luật điện lực (sửa đổi) mở ra các cơ chế cho phát triển lưu trữ, từ lưu trữ điện năng phân tán phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hộ gia đình tới lưu trữ điều tần quốc gia”, ông Cường khuyến nghị.

SỚM CÓ CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ

Đối với điện mặt trời mái nhà, quan điểm của đa phần chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành là không cần ưu đãi, chỉ cần đừng đưa ra rào cản.

Ông Cường cho rằng việc triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, tự sản tự tiêu đang gặp rất nhiều rào cản pháp lý. Cụ thể, không có thủ tục thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia. Có khả năng phải thực hiện thủ tục bổ sung vào Quy hoạch điện 8, điều này không khả thi đối với người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, đã gần 4 năm kể từ khi chính sách FIT 2 kết thúc (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực hết ngày 31/12/2020) nhưng vẫn chưa có hướng dẫn bổ sung vào quy hoạch điện theo thủ tục nào.

Rào cản nữa là hiện nay điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bị coi là một “công trình xây dựng”, dù không thay đổi về quy hoạch sử dụng đất và doanh nghiệp đã thuê tư vấn có năng lực trình độ thực hiện đánh giá, kiểm định kết cấu chịu lực công trình xây dựng hiện hữu. Thủ tục này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều bước theo các Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng như: nghiên cứu khả thi (theo mẫu của nghị định 15), thẩm định nghiên cứu khả thi, thực hiện thủ tục tư vấn thiết kế…

“Đây là các thủ tục chỉ cần thiết trong trường hợp sử dụng vốn ngân sách, trong khi thực tế tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, một doanh nghiệp cơ điện quy mô vừa và nhỏ nắm chắc công nghệ hoàn toàn có thể chủ động thực hiện 1 dự án điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thụ”, ông Cường nhận định.

Do đó, theo vị đại diện EverSolar, Luật điện lực (sửa đổi) cần có chính sách rõ ràng, nhất quán trong phát triển điện mặt trời mái nhà; điện mặt trời mái nhà kết hợp với lưu trữ điện năng. Để tránh làm khó cho lưới điện cần có sự phân loại, phân rõ cấp độ đối với hệ thống điện mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính.

Đồng thời có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với năng lượng tái tạo không nối lưới như: hỗ trợ về thủ tục xây dựng, quỹ đất, tài chính, lãi vay. Quy định rõ điện mặt trời mái nhà có lưu trữ với tỷ lệ nhất định được quyền đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Ông Phạm Lê Quang, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần BCG Energy, kiến nghị nên bổ sung tại Điều 29 các nội dung ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo tại các tỉnh miền núi phía, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Xem xét miễn, giảm thủ tục về quy hoạch điện cho các nhà máy đốt rác phát điện trên cơ sở xem xét tính cấp thiết về nhu cầu xử lý môi trường của loại hình năng lượng này.

Đối với các loại hình nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới có quy mô nhỏ và các loại hình năng lượng khác không thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư qua hình thức đấu thầu… kiến nghị áp dụng mức giá cố định để khuyến khích, phát triển đầu tư.

Luật cần trao quyền cho cơ quan chuyên môn trong việc quyết định các cơ chế khuyến khích đối với hoạt động tiên phong, thí điểm, thử nghiệm, làm tiền đề cho việc tiến hành đầu tư ở quy mô lớn trong lĩnh vực lưới điện thông minh quy mô nhỏ.