Đề xuất sàn TMĐT xuyên biên giới phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam
Theo dự thảo xây dựng Luật Thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới phải có đại diện tại Việt Nam để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Theo quy định hiện nay, các sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên năm 2024, một số sàn xuyên biên giới như Temu, Shein chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Vì vậy, tại dự thảo đề cương xây dựng Luật Thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Cùng với đó, họ phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.
Các sàn xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý. Ảnh: ShutterStock.
Các sàn bán lẻ xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, dịch vụ logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam, theo dự thảo.
Theo Bộ Công Thương, Luật thương mại điện tử dự kiến sẽ quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Nhà điều hành sẽ đưa ra các quy định về trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường cho người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.
Cùng với đó, hàng hóa nước ngoài được bán, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, với việc các người bán trên các sàn thương mại điện tử được định danh và quản lý chặt chẽ hơn, việc thu thuế sẽ hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Điều này đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc TOP 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.