Liên tiếp xử lý vụ việc liên quan đến hành vi trốn thuế, hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng kinh doanh TMĐT

12:33, 14/07/2025

Theo Thuế Hà Nội, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, hoạt động không rõ ràng giữa mô hình doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh nhằm mục đích che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Liên tiếp xử lý vụ việc liên quan đến hành vi trốn thuế

Chỉ trong một thời gian ngắn, Thuế Thành phố (TP) Hà Nội đã phối hợp Công an TP Hà Nội phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan 3 cá nhân có hành vi trốn thuế.

Điển hình như, vụ việc TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty CP Dược Hoa Kỳ: Dù có doanh thu lớn cả online và tại cửa hàng, nhưng cố tình không xuất hóa đơn, không kê khai thuế đầy đủ, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.

Vụ việc Công ty TNHH MI Hà Nội do cá nhân Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng, che giấu qua tài khoản cá nhân, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.

Gần đây nhất, vụ việc Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) kinh doanh, bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng thông qua mạng xã hội Facebook, phát sinh doanh thu đặc biệt lớn (gần 1.000 tỷ từ năm 2020 đến nay), nhưng không không kê khai, nộp thuế theo quy định. Địa điểm tổ chức kinh doanh livestream bán hàng tại căn hộ chung cư nên rất khó phát hiện, thủ đoạn che giấu tinh vi. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.

Công an tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) gây xôn xao dư luận.

Trước đó, Thuế TP. Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội phát hiện, xử lý cá nhân Đỗ Mạnh Cường, chủ yếu bán phụ kiện điện thoại qua nhiều tài khoản trên Tiki, Shopee, Lazada, phát sinh doanh thu lớn, trên 100 tỷ đồng nhưng không kê khai nộp thuế, dẫn đến trốn số tiền thuế trên 2,5 tỷ đồng.

Theo Thuế TP. Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế số và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một xu hướng tất yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thay đổi toàn diện phương thức kinh doanh truyền thống, các nền tảng TMĐT, mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... không chỉ là kênh tiêu dùng phổ biến mà còn là môi trường kinh doanh sôi động của hàng triệu cá nhân, tổ chức – trong đó có nhiều người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs).

Bên cạnh sự bùng nổ của nền kinh tế số, các loại hình kinh doanh TMĐT ngày càng đa dạng với những hình thức mới mẻ. Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, hoạt động không rõ ràng giữa mô hình doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh nhằm mục đích che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý thuế hiện nay.

Đứng trước những thách thức này, cơ quan thuế đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền để truyền tải chính sách thuế đến người nộp thuế đồng thời cảnh báo những hành vi vi phạm, hậu quả pháp lý và giới thiệu các mô hình kinh doanh tuân thủ tốt pháp luật, qua đó từng bước hình thành ý thức tự giác, minh bạch trong kê khai thuế của cộng đồng kinh doanh trên nền tảng số.

Thuế Thành phố Hà Nội đã tập trung ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phân tích kho dữ liệu lớn thu thập từ các sàn TMĐT, ngân hàng, mạng xã hội để nhận diện các trường hợp phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Các KOC, KOS, KOL chủ động kê khai, khắc phục, nộp 40 tỉ đồng tiền thuế

Thuế TP. Hà Nội cho biết, qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là các KOC, KOS, KOL làm chủ đã chủ động kê khai, khắc phục nộp vào NSNN, với số nộp trên 40 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Riêng thu từ hộ, cá nhân kinh doanh nộp qua cổng TMĐT (cổng 888) đạt 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước. Kết quả tích cực này đến từ sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thuế các cấp và sự chuyển biến nhận thức của người nộp thuế về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Người dân đã dần dần nhận thức rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý khi mà không thực hiện, cố tình trốn tránh.

Bên cạnh việc hướng dẫn, tuyên truyền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, Thuế TP Hà Nội cũng xác định cần phải thật sự quyết liệt xử lý đối với các trường hợp dù đã nhận thức được hành vi vi phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm. Một số vụ việc nổi bật Thuế Thành phố Hà Nội đã thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý

Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng kinh doanh TMĐT, trong đó có các cá nhân là KOLs, những người có ảnh hưởng lớn đến công chúng và tác tới hành vi tiêu dùng.

Kinh doanh trên nền tảng số cần song hành với trách nhiệm thuế. Dù là tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân - dù nổi tiếng và có sức ảnh hưởng – dù là quy mô lớn hay nhỏ,  – đều phải tuân thủ pháp luật. Việc cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng tới tổ chức, cá nhân vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý thuế chỉ thực sự hiệu quả khi có sự hợp tác, ý thức chấp hành tốt từ cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Cơ quan thuế khẳng định, luôn đồng hành – hỗ trợ - hướng dẫn để NNT hiểu đúng, làm đúng và được hưởng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy vậy, đối với những hành vi cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.