Tạp chí in “chạm đáy” hay đi lên?

09:32, 18/06/2024

Trên thế giới, độc giả từng chứng kiến, những tờ báo, tạp chí in tuổi đời cả trăm năm gặp cơn lốc số hóa, biến mất nhanh tới độ, giờ hoài niệm chỉ còn là các bản lưu được số hóa trong các thư viện hay trong ký ức của những người già ngoài 70 tuổi. Vậy phải chăng nếu đã xuống tới đáy hình sin, thì những tờ nào còn trụ vững, thích nghi, tiến hóa sẽ tồn tại và phát triển?

Từ báo Tây

Ngày 2/8/2010, AFP đưa tin, Tập đoàn Washington Post Co., sở hữu cả tờ Washington Post và Newsweek đã đồng ý bán Newsweek cho tỉ phú người California Sidney Harman với giá tượng trưng 1 USD. Đổi lại, Sidney Harman đồng ý đảm bảo sẽ tiếp tục duy trì tạp chí và sẽ giữ lại phần lớn đội ngũ nhân viên khoảng 350 người. Newsweek sáp nhập với website Daily Beast của Tập đoàn IAC (InterActiveCorps) để trở thành một thương hiệu có tên Newsbeast. Newsweek chỉ còn lại một phiên bản online toàn cầu và sau đó chìm nghỉm trên thị trường. 

Năm 1996, Washington Post (WP) lừng danh dù đã bắt kịp cùng tốc độ phát triển của internet và nhanh chóng cho ra đời trang điện tử. Nhưng cách làm vẫn là xuất bản các nội dung trên báo giấy lên điện tử. Đến năm 2013, Washington Post lại nổi danh theo một cách khác, chấp nhận bán mình cho tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon với giá 250 triệu USD. Sự kiện xôn xao, nhưng sau này nhìn lại lại là quyết định thành công nhất.

WP là một ví dụ điển hình khi báo chí được điều hành bởi “công nghệ”. Sự thay máu, thay đổi tư duy, thay đổi hoàn toàn cách làm của tỉ phú Jeff Bezos từ Amazon đã thổi một luồng sinh khí mới vào tòa soạn WP, biến WP trở thành một mẫu điển hình của báo chí đa nền tảng với các công nghệ số tối ưu tạo sức mạnh cạnh tranh thu hút người đọc.

Hình ảnh một người phụ nữ mua báo tại Paris, Pháp tháng 6/2022 foto: Light Studios

Châu Âu năm 2012, cơn bão phá sản, đình bản càn quét qua nước Đức. Thậm chí, cuộc khủng hoảng báo in ở Đức đã dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: Zeitungssterben, có nghĩa là “cái chết của báo in”. Một loạt tờ báo đình bản như Financial Times tại Đức (Financial Times Deutschland). Khi tờ Frankfurter Rundschau, đệ đơn xin phá sản, Thủ tướng Đức lúc đó, bà Angela Merkel, đã thốt lên đầy tiếc nuối và kêu gọi ngành báo in giữ vững tinh thần. Bà viết trên mạng: “Tôi nghĩ báo in có vai trò rất quan trọng”.

Cuộc khủng hoảng của những tờ báo nhỏ phục vụ các thị trường nhỏ tại châu Âu chưa thể sánh với những “tấn bi kịch” từng xảy ra trong làng báo in Mỹ. Nhưng rõ ràng, cuộc khủng hoảng báo in những năm này đang xảy ra ở tất cả các quốc gia phát triển phương Tây, dù mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cùng năm đó, ở Tây Ban Nha, Italia, số lượng biên tập viên và phóng viên của các tờ báo bị cắt giảm mạnh. Các tờ báo lớn của cựu lục địa, muốn hay không vẫn phải chuyển từ in sang online và đến giờ nhiều tờ còn “mất dấu” trên bản đồ báo chí thế giới.

Tòa soạn báo điện tử VnExpress, tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam cả về bạn đọc và nguồn tin

Đến báo nhà

Từ những năm 2000, Việt Nam đã có những dự báo: “20 năm nữa báo in sẽ tuyệt chủng?”. Nhưng câu chuyện ở Việt Nam lại có những đặc điểm riêng, có chút khác biệt phương Tây.

Đầu tiên, báo điện tử tại Việt Nam xuất hiện khá sớm. Năm 2001, VnExpress được thành lập bởi Tập đoàn FPT, nay có cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn VietnamNet ban đầu có tên là Mạng thông tin trực tuyến VASC Orient, thuộc Công ty Phát triển phần mềm VASC, thành viên của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Hiện VietnamNet có cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sau hơn 20 năm, dù tôn chỉ cùng là phụng sự độc giả nhưng hai tờ báo đều có tiêu chí, hai cách làm, hướng đi rất khác nhau. VnExpress và VietnamNet hiện đều phát triển theo hướng đa nền tảng. VietnamNet gần đây thử thí điểm “thu phí” nhưng chưa thấy công bố số liệu. VnExpress thì tập trung tối ưu hóa các mảng kinh doanh, thêm các hoạt động truyền thông, sự kiện để tổng doanh thu của báo đủ lớn để báo không phải “băn khoăn” việc bán account, thu phí bạn đọc. Điều đó có nghĩa, cốt lõi là nội dung thật hay và kinh doanh trên nền tảng của chất lượng nội dung. 

Lý do thứ hai, những năm 2000, ở Việt Nam, báo điện tử xuất hiện khá sớm giữa lúc báo in ở Việt Nam còn đang rất “thịnh”. Lúc đó công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng CNTT còn chưa phát triển được như bây giờ, khiến thủa “ban đầu” báo điện tử nào không có bản in giấy, chỉ còn duy nhất mỗi lựa chọn “miễn phí” để tồn tại.

Quãng thời gian những năm 2000, doanh thu từ bán báo in của các báo còn rất tốt. Có những báo phía Nam tên tuổi, mỗi số bán tới nửa vạn tờ, con số thật ấn tượng, lợi nhuận là không nhỏ. Nhưng đến hồi hạ tầng mạng tốt, thiết bị di động rẻ, cái gì muốn đọc cũng tìm được trên online, thì câu chuyện đã khác. Độc giả nhạt dần với việc mua báo, lúc đó các báo mới dồn sang đầu tư làm điện tử, nhưng có vẻ lỡ nhịp. Độc giả vốn ngại việc trả tiền mua account để đọc, lại quen miễn phí, đọc chùa nhiều năm khiến việc thu tiền qua đọc báo điện tử trở thành câu chuyện bất khả thi.

Bài toán bán account đọc báo không có lời giải. Hiện chưa có báo, tạp chí điện tử nào thử nghiệm thu phí người đọc công bố số liệu. Có thể nói, ở Việt Nam thu phí phần lớn độc giả sẽ rất khó thực hiện. Chưa kể, chưa kịp thu phí thì thông tin trên trang web đã đang dần lỗi mốt, đang chuyển dần sang các dạng thông tin, truyền thông khác.

Cùng nhìn lại 20 năm vừa qua, làn sóng phát triển vô cùng kinh ngạc của cáp quang, internet băng thông rộng, 3G, 4G, rồi tốc độ phổ cập internet của Việt Nam. Hiện tốc độ internet băng rộng cố định của Việt Nam xếp thứ 45 thế giới. Tốc độ truy cập internet băng rộng di động xếp thứ 52, cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Hệ thống internet đã phủ sóng trên 99,7% số thôn, bản trên toàn quốc. Tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, 91% thôn, bản có cáp quang. Vùng phủ sóng 3G/4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Tất cả những yếu tố công nghệ dồn dập đó, khiến báo điện tử, tạp chí điện tử và ngay cả các bản tạp chí in bắt buộc phải chuyển mình nhanh chóng để thích nghi, để có thể cạnh tranh về nội dung và thương mại. 

Những năm qua, các tạp chí Việt Nam chuyển mình rất nhanh, đặc biệt là sau quy hoạch báo chí của Chính phủ. Các tạp chí xác định chỉ có thể thành công nếu phát triển theo hướng đa nền tảng, bởi nếu không thay đổi, báo chí kiểu truyền thống đã đi tới cuối con đường.

Hiện hầu hết các tạp chí ở Việt Nam đều dần chuyển sang đa loại hình, giá trị cốt lõi phải là tôn chỉ mục đích của tờ báo. Cạnh bản in luôn có bản điện tử và trong đó có tới hơn 80% các tạp chí sử dụng mạng xã hội để phân phối nội dung. Điều này cũng chỉ ra, báo mạng xuất bản trên trang web đang dần “cũ” và phải thay đổi để phù hợp đặc thù “ngắn hơn” của sản phẩm báo chí đa nền tảng.

Vậy tạp chí in đã xuống đáy hình sin?

Tạp chí in đang dần chuyển sang điện tử toàn phần, đây là điều không thể phủ nhận. Tuy vậy, liệu các tạp chí có “biến mất hẳn” phần in? Thực tế cho thấy, còn một hướng đi, còn những thị trường ngách. Những tờ tạp chí tuân thủ tôn chỉ mục đích, kiên định làm tốt nội dung, đầu tư bài vở công phu, trình bày đẹp, hiện vẫn có những tệp khách hàng riêng.

Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường báo chí lớn của 100 triệu dân. Nhiều tạp chí in nổi tiếng nước ngoài vẫn tìm đường vào Việt Nam. Các tờ xuất bản dưới dạng ấn bản phẩm như: Forbes Việt Nam, ELLE Vietnam Magazine. Rồi có thông tin VOGUE, tờ thời trang sang trọng số một thế giới đang mong muốn có ấn bản tại Việt Nam…

Tạp chí in phải thay đổi để tồn tại. Bài học từ sự chuyển mình của các báo hàng đầu thế giới, các tạp chí của Việt Nam nên học hỏi nếu phù hợp. Như thành công của The Washington Post dựa trên sáu yếu tố cơ bản sau: Mô hình cung cấp phần mềm quản lý nội dung, môi giới dữ liệu; Mô hình thương mại điện tử; Mô hình khai thác nội dung đã xuất bản; Mô hình đăng ký dài hạn; Mô hình quảng cáo; Mô hình đại diện truyền thông.

Hay các tạp chí nên học mô hình của New York Times, khi tận dụng nền tảng số để cho ra đời các ứng dụng, các tiện ích như: Phát triển và cung cấp các app trên thiết bị thông minh rất đa dạng nội dung như Cooking với hàng ngàn công thức nấu ăn đã từng được xuất bản trên nền tảng in. Hay app trò chơi ô chữ (Crossword), vốn hầu như luôn xuất hiện 100% tại các tạp chí phương Tây. Rồi chiến lược chia sẻ nội dung (viral) có chủ đích thông qua các mạng xã hội. Và dĩ nhiên, các tạp chí không thể bỏ qua nền tảng Spotify hay Podcast, cung cấp tin tức hàng ngày sẽ trở thành đặc sản.

Với việc phát triển của các công cụ AI, việc biến bản tin chữ thành bản tin âm thanh thật dễ dàng, chỉ bằng một số click chuột. Mấu chốt của thành công vẫn nằm ở tầm nhìn, ý chí của lãnh đạo các tờ tạp chí. Lựa chọn chuyển đổi số của các tạp chí là bắt buộc. Nguồn lực, nhân sự phải đầu tư chiều sâu cho nhóm lãnh đạo tạp chí có chuyên môn sâu về công nghệ. Nhiệm vụ của nhóm lãnh đạo công nghệ là phải dành tối đa tâm sức, nguồn lực để tạo ra trải nghiệm đa nền tảng sáng tạo, tạo ra những trải nghiệm mới thú vị. Tất nhiên, đặc sản của tạp chí phải là các tuyến đề tài phân tích chuyên sâu khác biệt.

Không thể phủ nhận, số lượng tạp chí sẽ còn giảm. Nhưng tương lai của các tạp chí còn lại gắn với sự dịch chuyển và thay đổi phương thức hoạt động. Chuyển đổi số, thay đổi cách làm, đa dạng sản phẩm tạp chí trên đa nền tảng, luôn cập nhật công nghệ mới, luôn sáng tạo nội dung là con đường dẫn dắt các tạp chí lên đỉnh đồ thị hình sin.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/tap-chi-in-cham-day-hay-di-len-p55192.html