Tập trung hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đang thực hiện tái cơ cấu Chương trình khoa học công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách, giúp thuận lợi hơn cho các nhà khoa học khi triển khai nhiệm vụ.
Liên quan đến thay đổi cơ chế để Quỹ phát triển KHCN hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia thông tin, bản chất của khoa học là đi tìm kiếm, khám phá cái mới nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và không đạt, không đúng với dự kiến ban đầu.
Để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu thì cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ, trong 10 năm đầu khi đi vào hoạt động, quỹ có cơ chế đặc biệt để tài trợ, hỗ trợ theo thông lệ quốc tế giảm thời gian cho các nhà khoa học. Kể từ năm 2017 một số quy định mới ra đời, dẫn đến cơ chế của quỹ không được thuận lợi như giai đoạn trước do đó không còn thuận lợi đối với các nhà khoa học.
Để giải quyết vấn đề, Bộ KHCN đã có nhiều giải pháp trong đó có việc đề xuất điều chỉnh Luật KHCN với 2 hướng là đơn vị sự nghiệp nhưng được một số cơ chế đặc thù về tài chính hoặc quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhưng vẫn cấp bổ sung vốn hàng năm.
"Về bản chất việc tài trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia vẫn được ngân sách Nhà nước bổ sung kinh phí hàng năm và các thủ tục hành chính cần đơn giản và giảm thời gian xử lý, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học hướng đến các nghiên cứu đột phá, xuất sắc", ông Phạm Đình Nguyên cho hay.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng cho biết việc tái cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện với nhiều lý do, trong đó tập trung vào chương trình trọng tâm trọng điểm, có tính tác động lan tỏa với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai trong bối cảnh Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành. "Mục đích điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ", Thứ trưởng Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, làm rõ thêm về tái cơ cấu và xây dựng hàng lang pháp lý cho các chương trình. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 26 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 21 chương trình khoa học công nghệ (mã số K.C) và 5 chương trình khoa học xã hội nhân văn (mã số K.X).
Theo ông Chiến, thời gian qua Bộ tập trung sửa đổi bổ sung hàng loạt thông tư, từ xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách, nghiệm thu đánh giá và xử lý tài sản, tuyển chọn...
Trong số này có thông tư 20 được ban hành (thay thế thông tư 08) trong tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Theo thông tư này, kết quả tuyển chọn phải được công bố trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 70 trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ" nhằm hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học công nghệ", ông Chiến nói.
Về dự kiến sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ có phương án sửa Luật Khoa học và Công nghệ trên tình thần quan điểm vẫn duy trì quy định: doanh nghiệp nhà nước phải trích quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhưng cho phép được linh hoạt quyền quyết định tỷ lệ trích lập quỹ như định hướng sửa đổi Nghị định 95.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế việc thực hiện trích lập quỹ này với các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không khó mà vấn đề vướng mắc ở việc triển khai và tiêu quỹ. Bộ đã phối hợp với các bộ liên quan để giải phóng nguồn lực này, phát huy tối đa hiệu quả quỹ trong thời gian tới, cụ thể là sửa Luật Khoa học và Công nghệ.
Theo Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo