Tập trung song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

14:20, 27/09/2024

Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam cũng phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 (HEF 2024) đã diễn ra phiên đối thoại chính sách do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Thông tin tại Phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế gồm: Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; Cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước; Cơ cấu lại đầu tư công. Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh đó có những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Đặc biệt, ông cho biết, trong thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp, tập trung 2 quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép) đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau. Hiện nay để thực hiện thành công thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với chuyển đổi xanh cũng đã có những quy định cụ thể của Bộ Tài nguyên - Môi trường với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào là DN xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… những điều này sẽ quyết định đến việc áp dụng cơ chế, chính sách hiện nay trong các quy định pháp luật để hỗ trợ các DN đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình chính sách mới được Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành, đó là Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cũng cho biết, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam cũng phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại.

Cụ thể, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong dự thảo Kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một.

Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các DN thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất. Cụ thể là hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Và cũng có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn.

Ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, còn có nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải. Theo đó, mấu chốt nhất của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Chính vì vậy hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để chúng ta tạo hỗ trợ về vốn, đất đai cho DN sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đối với Chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.