THUẾ QUAN HOA KỲ: Tiến triển các cuộc đàm phán và động thái của các nước
Quan chức Mỹ cho biết, hơn 10 quốc gia đã đưa ra những đề nghị thỏa thuận thương mại "tuyệt vời" với Mỹ.

Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng với hầu hết các đối tác kinh tế - Ảnh: ABC News.
Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng với hầu hết các đối tác kinh tế. Tuy nhiên, một tuần sau, ông đã tạm hoãn áp các mức thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với hàng chục quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc.
Ngày 14/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bày tỏ lạc quan về việc đạt được thỏa thuận với rất nhiều đối tác trong thời gian hoãn áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg TV, Bộ trưởng Bessent cho biết có thể không đạt thỏa thuận thương mại thực tế, nhưng đạt được thỏa thuận về nguyên tắc. Điều này mở ra cơ hội cho các hình thức thỏa thuận đơn giản hóa bao gồm các cam kết cải thiện cán cân thương mại và nới lỏng các rào cản thương mại để đổi lấy việc giảm thuế.
Cùng ngày, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett cũng cho biết hơn 10 quốc gia đã đưa ra những đề nghị thỏa thuận thương mại "tuyệt vời" với Mỹ.
Thuế quan Hoa Kỳ: EU xác nhận tạm dừng các biện pháp đáp trả
Ủy ban châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức tạm dừng các biện pháp đáp trả đối với chính sách thuế quan của Mỹ trong 90 ngày, từ ngày 14/4 đến ngày 14/7.
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu nêu rõ EU đã tạm dừng các biện pháp đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ để tạo thời gian và không gian cho các cuộc đàm phán EU-Mỹ. Tuyên bố nêu rõ Ủy ban châu Âu đã thông qua 2 văn bản pháp lý vào ngày 14/4, trong đó, văn bản thứ nhất áp đặt các biện pháp đối phó của EU, văn bản thứ hai tạm dừng tất cả các biện pháp này đến ngày 14/7/2025.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của Fox Business Network, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết các nhà đàm phán Mỹ và EU đã gặp nhau nhiều lần và đang đạt được tiến triển đáng kể. Theo ông, điều này sẽ rất tốt cho người lao động Mỹ, đặc biệt là công nhân ngành ô tô.
Nhật Bản sẽ thận trọng trong đàm phán với Mỹ
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách thuộc Hạ viện ngày 14/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhấn mạnh không nhất thiết phải kết thúc vội vàng các cuộc đàm phán về thuế quan với Mỹ, từ đó nỗ lực để đạt được kết quả có lợi nhất cho Nhật Bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc thảo luận chuyên sâu về chủ đề các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump do Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Nhật Bản chủ trì, cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này Ken Saito đã kiến nghị rằng việc kết thúc đàm phán một cách nhanh chóng trước thời điểm Mỹ áp dụng thuế quan là điều Nhật Bản mong muốn, nhưng có những tình huống mà quyết định vội vàng đồng nghĩa với thất bại. Vì thế cần phải quan sát mọi diễn biến tình hình và tiếp cận đàm phán với tầm nhìn cả ngắn hạn và dài hạn.
Về vấn đề này, Thủ tướng Ishiba nêu rõ: "Thất bại sẽ dẫn đến thất bại. Tôi không nghĩ việc thỏa hiệp liên tục và thỏa mãn yêu cầu (từ phía Mỹ), trong khi đàm phán chưa kết thúc là điều tốt. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ mới với Mỹ mà chỉ các đồng minh mới có. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành phân tích chi tiết một cách thận trọng".

Ảnh: Reuters.
Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc đàm phán toàn diện thương mại với Mỹ
Ngày 16/4, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc đã mở phiên họp đầu tiên của Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại do Giáo sư Heo Yoon thuộc trường Đại học Sogang làm chủ tịch, để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trước thềm đàm phán thuế quan với Mỹ.
Tại cuộc họp, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc đã chia sẻ tình hình trao đổi với phía Mỹ trong thời gian qua. Các đại diện Chính phủ Hàn Quốc cũng đã lắng nghe ý kiến tư vấn từ các chuyên gia thương mại trong giới công nghiệp, học thuật và nghiên cứu thuộc ủy ban, nhằm rà soát chiến lược ứng phó hiện tại.
Chánh Văn phòng Đàm phán thương mại Cheong In Kyo đã báo cáo kết quả chuyến thăm Mỹ gần đây, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng tối đa khoảng thời gian tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày để hoàn thiện chiến lược ứng phó cũng như dồn lực đàm phán với phía Mỹ.
Ông Cheong khẳng định sẽ củng cố hơn nữa hợp tác kinh tế Hàn-Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực quan tâm chung như đóng tàu và năng lượng.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và duy trì đối thoại với giới công nghiệp trong quá trình đàm phán với Washington thời gian tới.
Thông tin mới nhất cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok dự kiến sẽ thăm Mỹ trong tuần tới để thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Scott Besant.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết phía Mỹ đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai bên nhân dịp ông Choi sang Mỹ dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến diễn ra ngày 22/4.
Indonesia dự định tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ thêm 10 tỷ USD
Ngày 15/4, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết nước này sẽ đề xuất tăng nhập khẩu dầu thô và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ Mỹ thêm khoảng 10 tỷ USD như một phần của các cuộc đàm phán thuế quan với Washington.
Các quan chức Indonesia lên đường đến Mỹ vào cuối ngày 15/4 để đàm phán về các mức thuế thương mại mà Mỹ đề xuất. Tổng cộng, Indonesia có kế hoạch mua hàng hóa của Mỹ trị giá từ 18-19 tỷ USD khi "Xứ sở vạn đảo" tìm cách xóa bỏ thặng dư thương mại với Mỹ và tránh mức thuế 32% đối với hàng hóa Indonesia xuất sang Mỹ.
Trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại cùng ngày, Bộ trưởng Lahadalia nêu rõ Bộ Năng lượng khuyến nghị Indonesia tăng hạn ngạch nhập khẩu LPG cho Mỹ, cũng như nhập khẩu nhiều hơn dầu thô của nước này, để giúp đạt được mục tiêu đề ra nói trên.
Theo Giám đốc điều hành (CEO) tại Viện nghiên cứu Energy Shift, ông Putra Adhiguna, để tạo chỗ trống, Indonesia sẽ cần cắt giảm nhập khẩu LPG từ các nguồn khác và nước này có thể bắt đầu bằng cách giảm 20%-30% lượng LPG nhập khẩu từ các nguồn không phải của Mỹ, tùy thuộc vào các hợp đồng hiện có.
Dữ liệu trên nền tảng phân tích Kpler cho thấy Indonesia đã nhập khẩu 217.000 thùng LPG mỗi ngày vào năm ngoái, gồm khoảng 124.000 thùng/ngày từ Mỹ; 23.000 thùng/ngày từ Qatar, trong khi từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia mỗi nước khoảng 20.000 thùng/ngày.
Tây Ban Nha đề cao nhu cầu ngoại giao và đối thoại
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia TVE, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã nhấn mạnh nhu cầu ngoại giao và đối thoại về thuế quan, sau chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Thủ tướng Pedro Sanchez. Theo Ngoại trưởng Albares, sự phối hợp toàn cầu có vai trò quan trọng để giải quyết các thách thức mang tầm quốc tế.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết thêm rằng Tây Ban Nha đặt mục tiêu duy trì chính sách đối ngoại "có chủ quyền và thống nhất", cởi mở đối thoại với các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ Latinh và châu Phi. Ông đặc biệt kêu gọi tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để tháo gỡ những căng thẳng phát sinh từ thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài.
Thuế quan Hoa Kỳ: Malaysia nêu 3 trụ cột trong ứng phó
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 14/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Trung tâm Chỉ huy địa kinh tế quốc gia (NGCC), nhằm thảo luận và đưa ra chiến lược ứng phó với các biện pháp thuế quan mới từ phía Mỹ.
Kết thúc cuộc họp, Chính phủ Malaysia xác định chiến lược đối phó sẽ dựa trên ba trụ cột chính: Cải cách, hợp tác và đa dạng hóa, đồng thời kết hợp cả cách tiếp cận song phương và đa phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI), ông Tengku Datuk Seri Utama Zafrul, đã làm rõ các ưu tiên.
Về hợp tác, Malaysia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ ở mọi cấp độ. Chính phủ sẽ tổ chức các phiên họp tham vấn với ngành công nghiệp và các bộ, ngành liên quan để bảo đảm tiếng nói chung trong đàm phán và ra quyết định.
Về đa dạng hóa, Chính phủ đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận chủ động với các khối kinh tế và thị trường tiềm năng khác như BRICS (Các nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), MERCOSUR (Cộng đồng thị trường Nam Mỹ) và các nước châu Phi, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Về cải cách, Malaysia sẽ tăng tốc cải cách kinh tế nhằm nâng cao năng lực chuỗi cung ứng trong nước, từ đó cải thiện khả năng chống chịu và thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu trước những biến động toàn cầu.
Hiện nay, Malaysia nằm trong số hơn 75 quốc gia được Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày theo quyết định của Tổng thống Donald Trump công bố ngày 9/4. Malaysia đã hoan nghênh quyết định này và cho biết sẽ tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế để thúc đẩy đàm phán với phía Mỹ.
Tái khẳng định lập trường, Bộ trưởng Zafrul cho biết Malaysia sẽ không áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thay vào đó, chính phủ theo đuổi giải pháp đàm phán để giảm thuế suất và mở rộng danh mục hàng hóa được miễn trừ, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
Mặc dù Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Malaysia, chiếm 11,3% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2024, Malaysia vẫn giữ vững chính sách thương mại đa dạng và không phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường. Chính phủ Malaysia tin tưởng rằng với chiến lược phù hợp, vẫn còn 88% thị trường toàn cầu để mở rộng và phát triển thương mại trong thời gian tới.
Thái Lan đặt mục tiêu đàm phán với Mỹ vào tuần tới
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đặt mục tiêu tổ chức các cuộc đàm phán với các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới để bảo đảm được miễn thuế quan đối ứng 36% theo kế hoạch đối với hàng hóa của mình, theo đó các quan chức Thái Lan đang hoàn thiện một loạt đề xuất bao gồm cắt giảm thặng dư thương mại 46 tỷ USD với Mỹ.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Jirayu Houngsub ngày 14/4 thông báo một phái đoàn do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu đang chuẩn bị gặp các quan chức thương mại Mỹ tại Washington vào ngày 21/4. Ông Pichai cũng sẽ đến Seattle vào cuối tuần này để gặp gỡ các doanh nhân Mỹ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đầu tư.
Ông Jirayu cho biết thêm rằng nhóm đàm phán, bao gồm cả Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan, sẽ tuân thủ nguyên tắc "Thái Lan là đối tác xây dựng" của Mỹ và cam kết "tạo ra cán cân thương mại và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế bền vững" với Mỹ. Lập trường đàm phán của Thái Lan sẽ dựa trên chiến lược đã được nhóm làm việc do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đứng đầu chấp thuận, trong đó có tiếp thu phản hồi từ các nhóm doanh nghiệp và chuyên gia trong nước.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan. Chính quyền Thủ tướng Paetongtarn thừa nhận mức thuế cao hơn dự kiến đối với các lô hàng của Thái Lan sang Mỹ có thể làm giảm ít nhất một phần trăm tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay nếu không đàm phán giảm xuống.
Thái Lan cũng đã công khai tuyên bố sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ như ngô cho ngành thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm năng lượng bao gồm khí đốt tự nhiên và ethane, bên cạnh việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ các rào cản phi thương mại.
Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ
Ngày 14/4, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) thông báo tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách làm chậm đà tăng giá của đồng SGD theo tỷ giá thương mại. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giảm và rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan, gây biến động cho thương mại toàn cầu.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 xuống còn 0%-2%, từ mức 1%-3% trước đó. Trước đó, GDP Singapore đã tăng trưởng 4,4% trong năm 2024.
MAS cảnh báo rằng là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Singapore đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự giảm tốc của thương mại khu vực và toàn cầu. Thêm vào đó, những bất ổn gia tăng trong chính sách thương mại – đặc biệt là chính sách thuế quan không ổn định từ phía Mỹ – có thể gây áp lực đáng kể lên các ngành xuất khẩu và từ đó lan rộng đến cả khu vực kinh tế trong nước.
MAS nhấn mạnh rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ – điều chỉnh tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả (S$NEER) của đồng SGD – là một biện pháp được tính toán kỹ lưỡng. Khác với phần lớn các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát, MAS sử dụng tỷ giá đồng SGD làm công cụ chính sách chính.
Việc giảm tốc độ tăng giá của đồng SGD nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng tiền này, từ đó hỗ trợ xuất khẩu và giảm tác động tiêu cực của thuế quan mới đối với nền kinh tế. Đây là lần thứ hai trong năm MAS thực hiện điều chỉnh theo hướng nới lỏng, nhằm phản ứng với những lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng.
Thuế quan Hoa Kỳ: Canada miễn thuế cho một số nhà chế tạo ô tô
Chính phủ Canada cho biết sẽ miễn thuế cho các nhà chế tạo ô tô nhập khẩu một số ô tô và xe tải của Mỹ, với điều kiện các công ty này duy trì hoạt động tại Canada.
Chính phủ cũng cho biết sẽ miễn thuế trong 6 tháng đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm và đồ uống của Canada, cũng như đối với một số mặt hàng phục vụ mục đích y tế công cộng và an ninh quốc gia. Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Canada, việc miễn trừ thuế này sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Canada phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Mỹ để duy trì khả năng cạnh tranh, cũng như các tổ chức quan trọng như bệnh viện, cơ sở chăm sóc dài hạn và các cơ quan cứu hỏa.