Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Ngày 2/4, tại TP.Tuy Hòa, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Phú Yên, Hội Nhà báo Phú Yên, Sở TNMT Phú Yên tổ chức diễn đàn "Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" lần thứ VII/2023 với chủ đề Chuyển đổi xanh.
- Việt Nam và Singapore thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số-kinh tế xanh
- Nhiều cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế xanh
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Italia hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh
- Chủ tịch nước: Việt Nam quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng 0
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh nguồn Báo Tài nguyên Môi trường
Trình bày tham luận tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương cho biết: chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta luôn xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thông tin quá trình xây dựng và phản biện chính sách, góp phần xây dựng thể chế phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu đề ra của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, nội dung chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực cụ thể, đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển xanh của Việt Nam thời gian qua. Hàng loạt bộ luật đã được ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi liên quan đến chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Hóa chất, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp ...
Hệ thống các luật, nghị định và quy định về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, bảo vệ động vật và cây cối, quản lý chất thải, quản lý biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng, chương trình quốc gia phát triển năng lượng mặt trời, chương trình phát triển sử dụng hiệu quả năng lượng tại các doanh nghiệp…. đang được tích cực triển khai.
Chính phủ đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định và giao ước quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về hỗ trợ phát triển; đã thúc đẩy xây dựng các công trình xanh, quy hoạch và đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị xanh, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động kinh tế đến môi trường. Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2020 với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh nguồn Báo Tài nguyên Môi trường
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm hàng năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch tăng từ mạnh; tỷ lệ che phủ rừng tăng; hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng; nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên, tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...
Diễn đàn "Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà quản lý, nhà báo và doanh nghiệp trong công tác xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, diễn đàn cũng chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và kinh nghiệm trong công cuộc chuyển đổi xanh; góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức, tư duy về quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại Diễn đàn Chuyển đổi xanh, đã có nhiều kiến nghị trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Diễn đàn cũng góp phần thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tiếp nối thành công của diễn đàn "Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" qua các năm.
Khôi Nguyên (T/h)