Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong khoảng cách số

14:45, 15/04/2025

Người dân đã ngày càng hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị điện tử...

Theo các chuyên gia, để quản trị điện tử thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đồng thời xây dựng các chính sách bao trùm nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân cư và khu vực.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024, được công bố sáng 15/4, mang đến cái nhìn toàn diện về hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ công tại Việt Nam. Là lần thứ 16 được thực hiện, Báo cáo ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu chuyên sâu về nhiều khía cạnh như tham gia của người dân, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng, cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Báo cáo được thực hiện với sự đồng hành của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Đại sứ quán Ireland và UNDP và chính quyền các cấp.

PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định PAPI là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đo lường hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công.

“Kết quả điều tra PAPI cung cấp dữ liệu quý giá, giúp chính quyền địa phương rà soát hoạt động, xây dựng chính sách và kế hoạch hành động nhằm cải thiện hiệu quả quản trị”, PGS.TS Dương Trung Ý nói, đồng thời nhấn mạnh rằng trong hơn một thập kỷ qua, PAPI đã trở thành sự kiện thường niên được mong đợi, mang lại những bằng chứng thiết thực để hỗ trợ công tác hoạch định và giám sát chính sách.

PAPI 2024 mang đến cái nhìn toàn diện về hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ công tại Việt Nam

Chỉ số quản trị điện tử có những dấu hiệu tích cực 

Theo Báo cáo PAPI 2024, chỉ số “Quản trị điện tử” đã ghi nhận những cải thiện đáng kể trên phạm vi toàn quốc, phản ánh nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc ứng dụng công nghệ số vào quản trị và cung cấp dịch vụ công. Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công thuộc UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Để hiểu rõ hơn về quản trị điện tử, chúng tôi đã phân tích sâu hơn về việc cung cấp dịch vụ công điện tử và khả năng tiếp cận internet”.

Theo đó, tỷ lệ người dân có internet tại nhà và sử dụng điện thoại thông minh đã tăng đáng kể từ năm 2021 đến 2024. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân tiếp cận dịch vụ một cách tiện lợi hơn.

Báo cáo phát hiện ra rằng tỷ lệ người dân sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến đã tăng từ 7% trong năm trước lên khoảng 9% trong năm 2024. Đối với cổng dịch vụ công quốc gia, con số này có bước tiến rõ rệt hơn, từ 8% lên gần 14%.

Một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Tây Ninh đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao hơn. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của quản trị điện tử trong việc nâng cao hiệu quả hành chính công và cải thiện trải nghiệm của người dân.

Nguồn: PAPI 2024

“Việc đẩy mạnh chính phủ điện tử không chỉ giúp chính quyền địa phương cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả hơn, mà còn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam”, bà Renée Deschamps, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, nhấn mạnh. Theo bà Renée Deschamps, chính phủ đang tập trung vào phát triển công nghệ cao và ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực đời sống, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng quản trị công.

Những thách thức cần vượt qua trong khoảng cách số 

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ, Báo cáo PAPI 2024 cũng chỉ ra rằng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện trong lĩnh vực quản trị điện tử. Một trong những thách thức lớn nhất là khoảng cách số giữa các nhóm dân cư và khu vực khác nhau.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, lưu ý rằng phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng nông thôn, vùng núi và người di cư trong nước thường đánh giá thấp hơn về hiệu quả quản trị công, bao gồm cả quản trị điện tử. “Điều này phản ánh rằng các nhóm này ít được tiếp cận và hỗ trợ hơn trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến”, đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nói.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam

Phân tích dữ liệu từ PAPI 2024 cho thấy tỷ lệ người dân có internet tại nhà dao động từ 53% đến 96% giữa các địa phương, nhưng tỷ lệ sử dụng cổng dịch vụ công vẫn ở mức thấp. Ví dụ, tại tỉnh Điện Biên, tỷ lệ người dân có internet tại nhà thuộc nhóm thấp nhất, kéo theo việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng bị hạn chế.

Trong khi đó, các tỉnh như Hà Nội hay Quảng Ninh có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn, dẫn đến tỷ lệ sử dụng cao hơn. Sự chênh lệch này không chỉ tồn tại giữa các khu vực thành thị và nông thôn, mà còn giữa các nhóm dân cư như nam và nữ, hay người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thanh Huyền nhấn mạnh mặc dù việc tiếp cận internet đã được cải thiện, nhưng tương tác của người dân với chính quyền qua các nền tảng điện tử và việc sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến chỉ tăng ở mức rất nhỏ, chưa thực sự đáng kể. Điều này cho thấy cần có thêm các giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công điện tử, đặc biệt đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi "Luật chơi" trong quản trị công

Báo cáo PAPI 2024 được công bố trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, tái tổ chức các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là cơ hội lớn để chính quyền các cấp thúc đẩy quản trị bao trùm, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách, từ đó giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua PAPI.

Để tận dụng cơ hội này, Báo cáo cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là thông qua việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số hiện nay, đảm bảo mọi người dân, bất kể giới tính, dân tộc hay khu vực sinh sống, đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng.

Năm 2024, Việt Nam ghi dấu ấn với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và thúc đẩy kinh tế xanh. Sang năm 2025, dù đối mặt nhiều thách thức toàn cầu, Việt Nam tiếp tục tinh gọn bộ máy, bỏ cấp trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, hiệu quả hơn.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia UNDP, nhấn mạnh các cải cách hiện nay là cơ hội để giải quyết điểm nghẽn chính sách, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức độ hài lòng của người dân, đặc biệt từ phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người tạm trú, cho thấy cần thực thi chính sách bao trùm, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận dịch vụ công công bằng.

Bà Huyền khẳng định: “Chuyển đổi số có thể thay đổi luật chơi”. Việc phát triển quản trị điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ nâng cao minh bạch, cải thiện hiệu quả và mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ công cho mọi người dân.