Tên lửa đẩy Vega được phóng thành công mang theo vệ tinh quan sát Trái Đất

09:57, 18/08/2021

Vụ phóng diễn ra vào 22h47 ngày 16/8 theo giờ địa phương (8h47’ ngày 17/8 theo giờ Việt Nam) tại trung tâm vũ trụ Kourou, thuộc vùng Guiana, thực hiện thành công sứ mệnh đưa các vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất chỉ trong chưa đến 2 tiếng đồng hồ.

“Hàng hóa” chính mà tên lửa Vega đưa vào quỹ đạo là 1 vệ tinh có độ phân giải cao - vệ tinh thứ hai trong số chùm 4 vệ tinh có tên Pleiades Neo có nhiệm vụ quan sát Trái Đất do Airbus vận hành. Vệ tinh đầu tiên đã được đưa lên quỹ đạo vào tháng 4 cũng bằng tên lửa Vega. Theo Airbus, Pleiades Neo sẽ cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao về Trái Đất nhằm phục vụ cho mục đích sử dụng quân sự hoặc dân sự như ứng phó với thảm họa. 

Pléiades Neo 4 đã được phóng ra rất gần với quỹ đạo địa cực đồng bộ với mặt trời ở độ cao khoảng 620 km và sẽ hạ cánh trong vài ngày nữa. Vệ tinh mới sẽ có vị trí trên quỹ đạo tương tự như Pléiades Neo 3 nhưng sẽ được đặt cách 180 độ so với vệ tinh trước để tạo nên chùm vệ tinh. Điều này sẽ cho phép ghi lại hình ảnh hàng ngày của bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất ở độ phân giải gốc 30cm từ 2 đến 4 lần một ngày khi chùm bốn vệ tinh hoàn thành.

Tên lửa Vega mang theo 1 vệ tinh quan sát Trái Đất và 4 vệ tinh nhỏ khác lên quỹ đạo Trái Đất.

Chùm vệ tinh Pléiades Neo bao gồm bốn vệ tinh giống nhau do Airbus sản xuất, sở hữu và vận hành 100%, cung cấp độ phân giải gốc là 30cm với phạm vi hình ảnh là 14km, rộng nhất trong danh mục các sản phẩm cùng loại. Nhờ vào tốc độ vượt trội của mình, chùm vệ tinh này có thể bao phủ toàn bộ Trái đất 5 lần mỗi năm. Các vệ tinh mới sẽ hoạt động song song với các vệ tinh Pléiades hiện có và phần còn lại của đội vệ tinh quan sát Trái đất gồm hàng chục chiếc của Airbus.

Thiết kế mang tính sáng tạo đột phá của tàu vũ trụ Pléiades Neo được trang bị công cụ quang học silicon cacbua thế hệ mới dựa trên công nghệ tiên phong của Airbus vào đầu những năm 2000. Chùm vệ tinh Pléiades Neo cũng sẽ được hưởng lợi từ các liên kết quang học laser và băng tần Ka với các vệ tinh địa tĩnh của Airbus SpaceDataHighway (EDRS) cho phép thu thập khẩn cấp chưa đầy 40 phút sau khi thực hiện nhiệm vụ nhằm phản ứng nhanh với các tình huống quan trọng nhất.

 Khôi Nguyên (T/h)