Tin nhắn lừa đảo lại bùng phát
Nạn tin nhắn lừa đảo đang bùng phát làm cho bao người khó chịu, thậm chí tức giận. Nhẹ thì xem/hiểu là tin rác – một sự quấy rối; nặng thì tin và làm theo, thế là bị lừa. Mất tiền là một nhẽ, nhưng khó chịu hơn, ấy là cái cảm giác bị lừa, lừa trắng trợn.
Đủ “chiêu thức” dẫn dụ bằng tin nhắn, thư
"Thủy nè, nhớ mình hông? Ăn Tết vui chứ?..." - Ấy là mở đầu “ấm áp” của một tin nhắn SMS từ một số máy lạ hoắc, để sau đó, khi “con mồi” đã tin là người quen sẽ đến việc nhờ vả và biến bạn trở thành nạn nhân của trò lừa đảo nạp tiền điện thoại.
Tin nhắn lừa đảo có quá nhiều, đang "làm khổ" người dùng điện thoại - (ảnh minh họa).
Ngay cái “sự nhờ” cũng rất khéo, nào là "đang bận mà có việc gấp", hay “đang có việc ở xa, mà chỗ này không có người bán card điện thoại” và hứa sẽ trả lại liền v.v... và v.v... kèm theo đó là những lời chúc Tết “có cánh” hay những câu hỏi thăm gia cảnh, hay một thông điệp lấp lửng,… làm giảm độ cảnh giác và gây sự tò mò, ngộ nhận cho người nhận, để họ lầm tưởng là người quen.
Hình thức lừa đảo này đã có từ lâu. Tuy nhiên, cứ vào dịp Tết, bọn lừa đảo lại sử dụng bởi trong những ngày Tết, người ta hay chúc tụng, hỏi thăm nhau, vì thế, chúng cũng dễ lừa gạt người khác bằng tin nhắn hơn.
Hoặc, chiêu lừa thông báo trúng thưởng qua hình thức tin nhắn (qua điện thoại), nhằm lừa tiền của những ai nhẹ dạ, cả tin. Chẳng hạn, “Chúc mừng số thuê bao điện thoại 09xxxxxxxx đã trúng thưởng 1 iPhone 5s trong chương trình dự thưởng cuối năm. Đề nghị liên hệ số 1900xxxx để nhận giải”. Nếu thuê bao “tưởng thật”, gọi vào đầu số được chúng hướng dẫn sẽ bị trừ ngay một khoản tiền nhất định trong tài khoản. Thậm chí để câu “con mồi” gọi đến nhiều lần (tức mất nhiều tiền hơn), chúng còn “giả nai”, hỏi đi hỏi lại và hướng dẫn bấm thêm vào những số khác. Ngoài ra, để “chắc ăn” hơn, chúng còn đề nghị (người trúng thưởng) phải liên hệ trước một ngày cụ thể nào đó – để tạo vẻ “thật” hơn về một chương trình khuyến mãi.
Trong một tình huống khác, đó là thư được gửi đến nhà qua đường bưu điện hoặc qua e-Mail. Thư lừa thường có dạng một bưu thiếp, trên đó có nội dung về một chương trình cào trúng thưởng, mừng kỷ niệm số năm chẵn (1, 5, 10,…) thành lập, Tuần lễ vàng, Tháng khuyến mãi,… của một Siêu thị điện máy hay một nhãn hàng nào đó. Trong đó ghi rõ thể lệ tham gia chương trình, cơ cấu giải thưởng, với những giải thưởng rất hấp dẫn. Ở phần dưới (hay góc trên) tờ giấy, luôn có phần cào (tráng bạc) trúng thưởng, mã đối chiếu và đường dây nóng nhận quà. Nếu người nhận cào ra, chắc chắn sẽ trúng giải (thường rất cao) như trong phần thể lệ.
Nếu tin rằng mình đã trúng, gọi vào những địa chỉ được hướng dẫn để nhận giải, bạn sẽ “bước vào vòng” lừa đảo của chúng. Trong niền hân hoan trúng thưởng, bạn sẽ quên đi sự cảnh giác và dễ bị chúng lừa. Từng bước một, sẽ có người gọi điện thoại/gửi e-Mail đến bạn, hướng dẫn việc khai báo thông tin, địa chỉ để lập hồ sơ nhận giải và trước khi nhận, chắc chắn sẽ có việc yêu cầu bạn nộp một khoản lệ phí. Nếu bạn nộp trực tiếp (có người đến tận nhà nhận) hay chuyển khoản cho chúng khoản lệ phí này, nghĩa là bạn đã bị chúng lừa đảo số tiền đó.
Rồi những tin nhắn dạng sổ số, bói toán duyên số, xem vận hạn đầu năm,… cũng nở rộ trong dịp Tết này, làm cho mỗi thuê bao di động phải (bị) nhận từ vài ba tin đến cả chục tin nhắn mỗi ngày, dù không mong muốn.
Rồi lừa bằng điện thoại
Ngay trước Tết Giáp Ngọ, tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra một chiêu thức lừa đảo mới. Một số chủ vựa, đại lý kinh doanh hàng tiêu dùng ở đây đã nhận được điện thoại đặt hàng, với số lượng hàng lớn. Khi xe mang hàng đến địa điểm đã hẹn, đối tượng yêu cầu lái xe giao 50% lượng hàng tại đó (điểm đã hẹn), 50% còn lại được giao ở một địa điểm khác (giao sau) và hứa sẽ thanh toán toàn bộ tiền, kể cả công chuyên chở phát sinh tại địa điểm sau - tức khi đã giao hết hàng. Khi xe mang hàng đến địa điểm sau, lái xe mới phát hiện địa điểm này là một địa chỉ ma, liên hệ lại người đã đặt hàng và người đã nhận 50% số hàng (trước đó) thì không được. Đối tượng lừa đảo đã biến mất cùng với 50% lượng hàng đã giao (chưa trả tiền) trước đó.
Trong chiêu thức này, bọn lừa đảo đã lợi dụng (đúng) vào lòng tin (cả tin, dễ tin) của người dân Nam bộ trong giao thương để lừa đảo. Việc trả tiền sau khi đã giao hết hàng rất “đúng luật” và việc phải giao tại nhiều địa điểm cũng hợp lý. Thế là bị lừa.
Sau hàng loạt thông tin trình báo của các nạn nhân, Cơ quan công an tỉnh Vĩnh Long đã có công điện gửi các đơn vị công an huyện, thành phố trực thuộc, phối hợp với việc tuyên truyền cho người dân cảnh giác với chiêu lừa đảo mới trên. Và theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo đang gia tăng hoạt động dạng này tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa.
Hay như trong năm 2013, Tập đoàn VNPT đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng hàng loạt thuê bao điện thoại cố định, di động của VNPT ở nhiều địa phương đã bị kẻ xấu gọi đến để lừa đảo, thậm chí uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền từ người bị hại. Kịch bản được chúng sử dụng là giả danh nhà mạng nhắc nợ cước với số tiền khá lớn. Chúng còn đe dọa nếu không nộp ngay (trong vòng 2-3 giờ) sẽ chuyển sang bên cơ quan an ninh để điều tra, xử lý, rồi dẫn dụ thuê bao gọi vào đầu số điện thoại nào đó nhằm hướng dẫn cách xử lý. Nếu nghe theo và gọi vào, sẽ mắc bẫy chúng và bị trừ khá nhiều tiền trong tài khoản.
Có dẹp được không?
Để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, nạn lừa đảo, Chính phủ đã ban hành các Nghị định: Số 90/2008/NĐ-CP, ngày 13/8/2008 về chống thư rác; Số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư về quản lý thuê bao di động trả trước và Thông tư về quy định giá cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có “điểm nhấn” là triển khai bán SIM không có tiền trong tài khoản, nhằm hạn chế việc nhắn tin bằng SIM rác.
Ngoài ra, vào dịp Tết năm 2012, Bộ TT&TT đã ra Chỉ thị số 04/CT-BTTTT, yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo... Nhờ đó, nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong trong dịp Tết và lễ hội năm 2012, rồi năm 2013 đã giảm đáng kể.
Vậy nhưng tại sao năm nay (2014) tin nhắn rác và nạn lừa đảo lại phát triển trở lại?
Liệu các SIM rác - đa phần là SIM 11 số (có sẵn tiền trong tài khoản), có dẹp hẳn được không. Rồi khi một ai đó nhắn tin rác (không phải tin quảng cáo theo quy định), tin đó được chuyển tiếp đến các cơ quan chức năng (như Sở TT&TT, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT - Bộ TT&TT,…) hay chính nhà mạng, thông tin này có được điều tra, phạt trừ người nhắn theo quy định của pháp luật không?
Và liệu có phải Chỉ thị là của năm cũ - thời hiệu đã hết, còn Luật tuy có nhưng thực thi đến đâu thì chẳng ai ngó ngàng, quan tâm hoặc bỏ trôi?
Những câu hỏi này phải dành cho các cơ quan chức năng và các mạng di động trả lời.
Thanh Trà (tổng hợp)