Thách thức của các cơ quan báo chí địa phương trong xu hướng chuyển đổi số

15:59, 20/07/2023

Xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực báo chí mang tới thời cơ thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách đối với các cơ quan báo chí địa phương. Câu hỏi đặt ra là “chuyển đổi số hay đứng yên để tụt hậu?” đã dần được các cơ quan báo chí địa phương trả lời bằng những sản phẩm báo chí mới mẻ, hiện đại, hấp dẫn và cách phân phối nội dung đa dạng trên nền tảng mạng xã hội và internet.

Báo Đảng địa phương có giao diện thân thiện với các thiết bị di động.

Từ năm 2023, Báo Lào Cai chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, trở thành cơ quan báo Đảng đầu tiên trong cả nước được áp dụng cơ chế nhà nước đặt hàng đầy đủ các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thiết yếu. Với những thuận lợi lớn được tạo ra từ cơ chế mới, Báo Lào Cai đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đổi mới toàn diện. Về hạ tầng công nghệ và mô hình tòa soạn, mục tiêu trước mắt là sớm hoàn thiện và vận hành hiệu quả mô hình toà soạn hội tụ, chuẩn hoá quy trình sản xuất trên môi trường mạng, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông từ dữ liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và các nguồn tài nguyên thông tin. Mục tiêu dài hạn hơn là hướng đến mô hình cơ quan báo chí - công nghệ, với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn và các phần mềm chuyên dụng vào sản xuất các sản phẩm báo chí.

Xác định lấy báo in làm nền tảng, báo điện tử là khâu đột phá, tháng 4/2023, giao diện mới của Báo Lào Cai điện tử ra mắt theo hướng mở, thân thiện với bạn đọc. Báo Lào Cai điện tử trở thành kênh thông tin đa phương tiện, phát triển truyền hình internet, podcast và các bài báo dạng dài, có yêu cầu kỹ thuật cao, hình thức trình bày phức tạp như infographic, e.magazine, longform… Các tác phẩm báo chí đa phương tiện kết hợp âm thanh, hình ảnh, bản text được dựng trên phần mềm Canva khiến tác phẩm sinh động hơn, truyền tải thông tin mang tính hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem. Báo Lào Cai điện tử cũng đặc biệt chú trọng mảng tin tức, luôn đi đầu là nơi đưa những thông tin chính thống về Lào Cai nhanh nhất trên môi trường mạng, là nguồn cung cấp thông tin tin cậy cho các cơ quan báo chí trong nước và mạng xã hội. 

Các báo điện tử địa phương chú trọng đổi mới thể hiện nội dung bằng video, podcast, infographic, e.magazine, longform…

Độc giả Trần Xuân Tuấn, thành phố Lào Cai cho biết: Là người hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân tôi ít tiếp xúc với báo in của tỉnh. Trong những năm gần đây khi Báo Lào Cai phát triển báo điện tử, có hình thức thể hiện đẹp, bắt mắt, nội dung cập nhật hằng ngày rất phong phú nên tôi thường xuyên truy cập trên điện thoại để cập nhật thông tin chính thống của tỉnh. Trong đó có nhiều thông tin hữu ích cho hoạt động của doanh nghiệp. Tôi thấy giao diện mới của Báo Lào Cai điện tử rất hấp dẫn, sử dụng mượt trên điện thoại di động, cách thể hiện có nhiều đổi mới, rất tiện ích. Chẳng hạn khi lái xe tôi sẽ mở podcast để nghe, vừa cập nhật được thông tin lại không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. 

Chuyển đổi số cơ bản, từng bước và tiến tới chuyển đổi toàn diện các quy trình hoạt động, vận hành là hướng đi mà Đài PT-TH Lai Châu đang hướng tới để làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn còn khó khăn như Lai Châu và hướng tới khán, thính giả cả nước tìm hiểu về Lai Châu qua kênh sóng.  

Từ năm 2010, Đài PT-TH Lai Châu đã phát kênh truyền hình tiêu chuẩn SD trên hệ thống truyền hình MyTV. Đây là dấu mốc khởi đầu triển khai phương thức truyền dẫn phát sóng số tới công chúng khán giả qua hạ tầng Internet. Trang thông tin điện tử tổng hợp tin tức, chương trình phát thanh, truyền hình của Đài được khai trương mở rộng diện phủ sóng, lượng người nghe xem rất cao. Đến năm 2015, trang website tiếp tục phát triển tính năng phát trực tuyến kênh phát thanh, truyền hình giúp công chúng khán giả có thể nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình của Đài ở mọi nơi, mọi lúc trên thiết bị có kết nối Internet. Tiếp đó kênh truyền hình, phát thanh cũng được phát sóng đồng bộ trên môi trường số, quy trình từ sản xuất đến phát sóng cũng được thực hiện theo công nghệ kỹ thuật số, rồi truyền tải qua Internet, các hạ tầng mạng xã hội tiếng Việt gồm youtube, facebook, tiktok, zalo… 

Các Đài phát thanh - truyền hình địa phương thực hiện phát sóng trực tiếp trên trang website.

Đặc biệt năm 2021, Đài đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống M.A.M, đây là hệ thống quản lý sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình ứng dụng số hóa đầu tiên và đồng bộ từ dữ liệu thô đến sản xuất hậu kỳ, thẩm định, phát sóng, chấm nhuận bút cho các chương trình.

Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số không chỉ tự động hóa quy trình truyền thống mà còn cho phép hình thành quy trình mới trong sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí, phát thanh truyền hình mới để đáp ứng nhu cầu công chúng, tăng tính tương tác giữa Đài PT-TH Lai Châu với công chúng và với các cơ quan hoạch định, điều hành chính sách. Đây chính là cơ sở phát triển bền vững đối với cơ quan trong giai đoạn tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc Đài PT-TH Lai Châu cho biết: Đến nay chuyển đổi số của Đài Lai Châu được thực hiện chủ yếu thông qua 2 thành phần chính, đó là hạ tầng số và ứng dụng số. Hạ tầng số bao gồm Hệ thống Tổng khống chế (TKC) đa nền tảng, Studio tự động, Studio tương tác, Hệ thống MAM, Hệ thống Transcode, Hệ thống dựng NLE, Trung tâm dữ liệu… phục vụ cho việc sản xuất, truyền dẫn, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu. Với thành phần ứng dụng số, là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào trong quy trình, hoạt động sản xuất, quản lý. Ứng dụng số chia thành 3 cấu phần chính là quản lý số, phân phối nội dung số và sản xuất nội dung số. 

Bà Hà cho biết thêm: Sản xuất nội dung số là sự kết hợp của nhiều công nghệ như công nghệ truyền hình tương tác, công nghệ sản xuất tin nhanh, công nghệ trí tuệ nhân tạo, kho nội dung số… để làm thay đổi cơ bản các quy trình sản xuất nội dung truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực tham gia sản xuất. Đài cũng đẩy mạnh việc phân phối nội dung số trên nền tảng mạng xã hội và trên nền tảng internet, như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok… Các nền tảng này có lượng công chúng lớn nên có tiềm năng về sự tương tác phản hồi rất lớn cho các nội dung đăng tải. 

Kênh youtube của các cơ quan báo chí địa phương thu hút hàng triệu lượt xem.

Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến 2025, tầm nhìn 2030. Ngày 8/5/2023 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch hành động triển khai chuyển đổi số báo chí đến 2025, tầm nhìn 2030.

Có thể hiểu việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là ứng dụng các công nghệ nền tảng, phần mềm và sử dụng kho dữ liệu số hóa để nâng cao tốc độ khai thác thông tin, biên tập, sản xuất tin, bài và giúp các phóng viên, biên tập viên dễ dàng tác nghiệp từ xa và sản xuất cùng lúc các loại hình đa phương tiện. 

Trong xu thế không thể đảo ngược, các cơ quan báo chí địa phương đang từng bước chuyển đổi số từ khâu sản xuất tin, bài, chương trình phát thanh - truyền hình đến phân phối nội dung trên các nền tảng số, mạng xã hội để thông tin chính thống xuất hiện nhanh nhất trên từng thiết bị số của độc giả, khán thính giả trên không gian mạng internet.  

 

Trương Huy - Văn phòng Tỉnh uỷ Lai Châu

Theo Tạp chí in số tháng 4+5+6/2023