Thảm họa MH17: Nhiều quốc gia phải “gánh”
Vụ thảm họa máy bay MH17 là do con người chủ động gây ra. Ngoài trách nhiệm “thảm sát” của những kẻ đã gây ra, nhiều trách nhiệm khác cũng được đặt ra.
- Máy bay Malaysia bị bắn có thể là do tên lửa đất đối không
- Những “tình tiết mới” về vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi
- Máy bay Malaysia bị bắn hạ ở Ukraine, khoảng 300 người chết
- MH17 của Malaysia bị bắn nhầm vì lỗi radar
- Thông tin 24h sau khi MH17 bị rơi
- MH17 của Malaysia bị bắn nhầm vì lỗi radar
- Thông tin 24h sau khi MH17 bị rơi
- Có 3 người Việt trên chuyến bay MH17 vừa bị bắn rơi
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Sau thảm họa MH17 bị bắn rơi, bất đồng giữa Mỹ, châu Âu và Nga tăng cao
Theo Đài VOA, Ngoại trưởng John Kerry nói, Hoa Kỳ “rất quan ngại” về tin tức về các mãnh vỡ và xác chết từ chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị rớt đã được đưa ra khỏi địa điểm máy bay rơi tại miền đông Ukraine. Ngoại trưởng Kerry cũng hối thúc Nga có những hành động ngay lập tức để chấm dứt lượng vũ khí và chiến binh được tuồn cho các phần tử ly khai thân Nga tại miền Đông.
Tàn tích của vụ MH17 của Malaysia bị bắn rơi chỉ là tro tàn và những vật dụng đổ nát.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết, tổn thất trong vụ rơi máy bay MH17 cho thấy đây là thời điểm để kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Putin này 19/7, Thủ tướng Đức Merkel đã thúc giục Nga hợp tác với phương Tây. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag cũng nhấn mạnh, “Moscow có thể có cơ hội cuối cùng để cho thấy họ thực sự quan tâm đến một giải pháp cụ thể”.
“Giờ là lúc chúng ta cần phải dừng lại và tự nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngừng việc leo thang căng thẳng”, ông Steinmeier nói.
Rất nhiều nước phương Tây cũng tin tưởng vào cáo buộc của Mỹ, rằng lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn là thủ phạm vụ bắn rơi máy bay nói trên.
Hà Lan là quốc gia có nhiều nạn nhân nhất. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông “bị sốc” khi thấy những bức ảnh các phiến quân lục soát tư trang của các nạn nhân.
Ông Mark Rutt nhấn mạnh: “Ông ấy (Tổng thống Nga Putin) đang có một cơ hội cuối cùng để chứng tỏ rằng ông ấy thực sự muốn hợp tác”.
Còn Anh, nước có 10 công dân thiệt mạng, cho biết các lệnh cấm vận đối với Nga đã sẵn sàng. Trong bức thư được đăng tải trên tạp chí Sunday Times, Thủ tướng David Cameron nêu rõ, các nước châu Âu cần phải cho thấy sức mạnh thực sự của mình dù “trong nhiều trường hợp EU đã hành xử như thể chúng tôi cần Nga hơn là Nga cần chúng tôi”.
Cho đến nay, các chứng cứ cho thấy, chiếc máy bay MH17 của Malaysia đã bị một hỏa tiễn bắn rơi vào ngày 17/7 trên không phận của vùng Donetsk, do các phần tử ly khai thân Nga kiểm soát.
Khủng hoảng chính trị ở Ukraine thêm trầm trọng
Thảm họa khủng khiếp mang tên MH17 đã trở thành nỗi kinh hoàng với người dân trên toàn thế giới khi cướp đi sinh mạng của 289 người dân vô tội và đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine sang một bước ngoặt mới, báo GTVT đưa tin.
Trong vòng chưa đầy 5 tháng kể từ khi vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370, một thảm kịch nữa lại tái diễn với chiếc máy bay MH17, làm 298 người thiệt mạng.
Vụ rơi máy bay MH17 có thể xem như một “giọt nước làm tràn ly” đối với hai phe trong chiến sự tại miền Đông Ukraine. Việc quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia, tôi thấy không hướng nhiều tới vấn đề hàng không mà hướng về những mục đích chính trị sau đó. Có thể cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ có những chuyển biến mới rất khó lường” - TS. Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho biết như thế.
“Dưỡng Hổ di họa” - Các nhà quan sát quốc tế đã dùng câu thành ngữ trên để nói về tình cảnh rối ren sau thảm họa. Đồng thời, khủng hoảng Ukraine kéo dài từ năm ngoái tới nay cũng sẽ bị tác động mạnh bởi thảm kịch này, chuyên gia phân tích người Pháp Xavier Tytelman nói.
Hãng Malaysia Airlines sẽ ra sao sau thảm họa MH17?
Theo Tiền phong online - Hãng hàng không của Malaysia đang đứng trước nguy cơ "vỡ nợ" sau khi “dính” 2 thảm hoạ liên tiếp trong vòng chưa đầy nửa năm.
Đây là thảm hoạ thứ 2 đối với hãng hàng không này, tiếp sau vụ chiếc máy bay MH370 bị mất tích hồi tháng 3 vừa qua.
Hãng thông tấn BBC (Anh) hôm nay (21/7) đưa tin, giá trị cổ phiếu của Malaysia Airlines đã giảm 11% sau khi máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17/7. Ảnh hưởng của vụ việc cũng khiến cho thị trường chứng khoán các quốc gia châu Á sụt giảm do lo ngại căng thẳng leo thang giữa Ukraine với phe ly khai và Nga, cũng như giữa Nga với Mỹ và các phương Tây.
Theo các chuyên gia kinh tế (BBC đã dẫn), Malaysia Airlines đang đối diện với tương lai đen tối. Hãng hàng không này hiện rất cần sự ủng hộ của chính phủ Malaysia để có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bởi giá trị thị trường của hãng đã giảm tới 40% trong vòng 9 tháng vừa qua.
Những thảm họa trên đã ảnh hưởng nặng nề tới tình hình tài chính của Malaysia Airlines. Chỉ trong quý 1/2014, Malaysia Airlines đã lỗ 134 triệu USD.
Kể cả trước khi xảy ra tai nạn ở tỉnh Donetsk, Malaysia Airlines đã lỗ khoảng 1,6 triệu USD mỗi ngày, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng "sống sót" của hãng hàng không này. Và thảm họa 17/7 xảy ra có thể đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Malaysia Airlines.
Các hãng bảo hiểm của các nước có liên quan cũng “khốn đốn”
Trong vòng bốn tháng qua, hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất 2 chiếc máy bay Boeing 777, với hai chuyến bay định mệnh mang số hiệu MH370 và MH17. Những thảm họa này có thể khiến Malaysia Airlines chấm dứt hoạt động.
Không những thế, trong sự việc lần này, các bên có khả năng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân bao gồm các hãng hàng không, chính phủ các nước và giới chức hàng không tại Malaysia, Hà Lan do những cơ quan này đã cho phép chuyến bay đi qua khu vực chiến sự đã được khuyến cáo về rủi ro từ trước, VOV đưa tin.
Chính phủ Nga và Ukraine cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu kết quả điều tra cho thấy bằng chứng một trong hai nước có liên quan đến sự việc này.
“Đây sẽ là một vụ bồi thường kéo dài, liên quan đến nhiều bên và cả các cáo buộc chính trị. Về quy mô của tổn thất, nó sẽ tốn khoản chi phí khoảng vài trăm triệu USD”, Joseph Wheeler, một luật sư hàng không của công ty luật Shine Lawyers, tại Brisbane, Australia cho biết.
Những khoản bồi thường ban đầu cho gia đình các nạn nhân sẽ do hãng Malaysia Airlines tự chi trả. Số tiền mà hãng này phải bồi thường sẽ tuân thủ thỏa thuận về hàng không quốc tế thuộc Công ước Montreal, với mức tối đa khoảng 170.000 USD/hành khách. Malaysia Airlines phải thực hiện những chi trả ban đầu này, bất kể tai nạn có phải do lỗi của họ hay không.
“Malaysia Airlines sẽ bị ràng buộc trách nhiệm theo hợp đồng, bởi mỗi tấm vé máy bay chính là một hợp đồng khẳng định hãng hàng không này có trách nhiệm đưa đón hành khách an toàn”, Mark Dombroff, luật sư tại công ty McKenna Long & Aldridge của Mỹ khẳng định.
Mặc dù hãng hàng không này có khả năng sẽ chia sẻ trách nhiệm với bên đã phóng tên lửa, nhưng họ sẽ không thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
“Những khó khăn mà Malaysia Airlines phải đối mặt sẽ là việc khách hàng có thể tranh luận rằng, hầu hết các hãng hàng không đều biết không phận Ukraine thuộc vùng chiến sự và đã có hai máy bay khác bị bắn hạ tại đây trong tuần trước”, Kevin Bartlett, luật sư tại công ty luật Cooper Grace Ward, Brisbane, Australia cho biết.
Về trách nhiệm bảo hiểm, Tập đoàn bảo hiểm của Đức Allianz Global Corporate & Specialty, hiện là nhà tái bảo hiểm chính cho máy bay của hãng Malaysia Airlines, với chương trình bảo hiểm thân vỏ và trách nhiệm. Theo báo cáo, chiếc máy bay bị nạn được định giá 97,3 triệu USD. Trong khi đó, trách nhiệm bảo hiểm máy bay trong trường hợp bị tấn công cố ý, ví dụ như khủng bố lại thuộc về hãng tái bảo hiểm Atrium của Anh.
Ngoài ra, gia đình các nạn nhân có thể khởi kiện ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan tới máy bay bị bắn hạ. Họ có thể sẽ được bồi thường hàng triệu USD trên cơ sở nguồn thu nhập bị mất và những hỗ trợ cho gia đình, John Ribbands, một luật sư hàng không tại Melbourne, Australia khẳng định.
Thanh Trà (tổng hợp)