Thành phố Đà Nẵng ban hành Khung năng lực công dân số
Khung năng lực số cho công dân Đà Nẵng bao gồm 5 lĩnh vực: Thông tin và dữ liệu; Truyền thông và cộng tác; Tạo lập nội dung số; Bảo vệ và An toàn; Môi trường kỹ thuật số; chi tiết với 17 năng lực số thành phần.
Thông tin từ Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo UBND thành phố vừa ra quyết định ban hành ‘Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng’.
Cấu trúc của 'Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng'. Ảnh: Sở TT&TT Đà Nẵng
Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn TP Đà Nẵng được tham khảo từ khung năng lực số DigComp của Ủy ban châu Âu, đồng thời được chọn lọc, xây dựng lại những nhóm lĩnh vực; các tiêu chuẩn cụ thể của từng năng lực số phù hợp với thực tế của địa phương.
Cụ thể, Khung năng lực số này tham khảo từ mô hình DigComp, khung năng lực số cho công dân Đà Nẵng bao gồm 5 lĩnh vực: Thông tin và dữ liệu; Truyền thông và cộng tác; Tạo lập nội dung số; Bảo vệ và An toàn; Môi trường kỹ thuật số; chi tiết với 17 năng lực số thành phần.
Trong đó, mỗi năng lực số thành phần sẽ mô tả cụ thể tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ và được đánh giá theo 5 mức độ, 4 thông thạo với thang 100 điểm: Bắt đầu (dưới 20 điểm), cơ bản (từ 20-40 điểm), khá (từ 40-60 điểm), cao (từ 60-80 điểm) và nâng cao (từ 80 điểm trở lên).
Mức độ thành thạo tổng thể của công dân được xác định dựa trên điểm trung bình tổng của các nhóm lĩnh vực và phân loại theo các khoảng đánh giá như trên.
“Năng lực số là khả năng hiểu biết, truy cập, sử dụng, tạo ra thông tin số một cách an toàn và phù hợp thông qua các ứng dụng, công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ trong công việc và cuộc sống hàng ngày của người dân.
Khung năng lực số cho công dân là tập hợp các tiêu chí cụ thể về kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills) và thái độ (attitudes) của các nhóm năng lực số; giúp người dân tham gia chủ động và an toàn trong các hoạt động trên môi trường số”, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết.
Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ áp dụng cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP. Trong quá trình triển khai, sẽ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, thay đổi trong quá trình sử dụng thực tế.
Hiện, Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên ban hành Khung năng lực công dân số, góp phần hình thành "công dân số", thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và tạo động lực mới cho địa phương.
Theo định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng xác định "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm của triển khai chuyển đổi số và mục tiêu là “hình thành công dân số”.
Công dân số là yếu tố then chốt và quyết định thành công trong triển khai 3 trụ cột chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.