Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu GEX vì thông tin liên quan Ngân hàng Eximbank?

05:10, 21/11/2024

Sau khi Tập đoàn Gelex mua mạnh cổ phiếu EIB và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng Eximbank, giá cổ phiếu EIB giảm sâu khiến khoản đầu tư bị thua lỗ. Bên cạnh đó, thị giá của cổ phiếu GEX cũng giảm sâu khi cổ đông bán mạnh.

Bất chấp "đấu đá thượng tầng", Gelex vẫn liên tiếp rót vốn vào EIB

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; HOSE: EIB) luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Eximbank ra đời từ năm 1989 và trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam và là  thương hiệu mạnh trong ngành Tài chính – Ngân hàng trong thời kỳ đổi mới. 

Trải qua hàng chục năm phát triển, Eximbank đã có vốn điều lệ 17.470 tỷ đồng cùng 216 điểm giao dịch trên cả nước, là ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng từng là một mã cổ phiếu “hot” trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) từng rót 225 triệu USD để trở thành cổ đông lớn của nhà băng này bằng việc nắm giữ 15% cổ phần của ngân hàng vào năm 2007.

Tuy nhiên, cuộc “đấu đá” ở thượng tầng giữa các cổ đông lớn đã kéo Eximbank trở từ một ngân hàng lớn mạnh trở thành “một mớ hỗn độn” trong những năm qua. Từ một ngân hàng thu về lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, thế nhưng đến năm 2023 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt hơn 2.700 tỷ đồng. 

Cuộc chiến vương quyền tại Eximbank kéo dài hàng thập kỷ.

Cuộc chiến vương quyền tại Eximbank được giới truyền thông gọi là “thập kỷ hỗn độn” với việc 9 lần thay Chủ tịch HĐQT. Từ sau khi ông Lê Hùng Dũng rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, Eximbank lần lượt bầu ra các Chủ tịch HĐQT, lần lượt gồm: Ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, rồi lại ông Yasuhiro Saitoh, tiếp tục là bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và hiện tại là ông Nguyễn Cảnh Anh. Đằng sau mỗi lần đổi ghế Chủ tịch HĐQT là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhóm cổ đông. 

Không loại trừ trường hợp do quá mệt mỏi với cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng, đến tháng 1/2023 cổ đông chiến lược SMBC đã thông báo chính thức không còn là cổ đông lớn tại Eximbank. Trước đó, tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công cũng lần lượt thoái vốn khỏi nhà băng này.

Đỉnh điểm của những bất đồng nội bộ này là những kỳ Đại hội cổ đông bất thành khiến cho câu chuyện của Eximbank luôn là đề tài nóng hổi vào mỗi mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). 

Mới đây, Eximbank cho biết sẽ triệu tập ĐHĐCĐ vào ngày 28/11/2024 tại TP. Hà Nội. Địa điểm cụ thể sẽ được nêu tại Thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 gửi cho cổ đông. Cuộc họp được tổ chức nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Trước mùa ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Eximbank, sự xuất hiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (cổ phiếu GEX) càng nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là khi Gelex liên tiếp "rót vốn" để trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.

Cụ thể, trong hai ngày 7-8/8/2024, Gelex đã mua 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM. Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu (chiếm 4,9%) lên 174,6 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ Eximbank) và trở thành cổ đông lớn nhất của nhà băng này.

Điều đáng nói, sau khi thông tin trên được công bố, thị giá của cổ phiếu EIB đã giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường Eximbank "bốc hơi" mạnh. Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch ngày 21/11, cổ phiếu EIB đang giao dịch ở mức 17.900 đồng/CP, ước giảm 950 đồng/CP, tương đương 5% so với ngày 12/8 khiến vốn hóa thị trường Eximbank giảm 1.775 tỷ đồng.

Theo đó, giá trị cổ phiếu EIB mà Gelex mua thêm sẽ giảm gần 85 tỷ đồng. Cộng với những khoản đầu tư trước đó, Gelex lỗ hàng chục tỷ đồng vì đầu tư cổ phiếu.

Theo ghi nhận của Gelex ngày 30/9/2024, giá trị doanh nghiệp này đầu tư vào cổ phiếu là 4.394 tỷ đồng. Tuy nhiên, Gelex phải dành 46,7 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư này.

Cổ đông Gelex mất hàng nghìn tỷ đồng

Trong khi khoản đầu tư mới thua lỗ, Gelex lại khiến giới đầu tư thất vọng khi bức tranh tài chính không có nhiều biến chuyển tốt, lợi nhuận tăng trưởng chậm.

Cụ thể, Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2024 của Gelex đạt 8.856 tỷ đồng, tăng 1.333 tỷ đồng, tương đương 17,7% so với quý 3/2023; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng từ 21.993 tỷ đồng lên 23.879 tỷ đồng (tăng 1.886 tỷ đồng, tương đương 8,6%).

Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 39 tỷ đồng, tương đương 15% lên 297 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, lãi ròng của Gelex tăng mạnh từ 944 tỷ đồng lên 1.653 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty ghi nhận 906 tỷ đồng Lãi từ bán các khoản đầu tư.

Thị giá cổ phiếu GEX giảm mạnh so với hồi đầu năm 2024

Trong hơn 10,5 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu GEX của Gelex giảm đáng kể. Hiện cổ phiếu GEX giao dịch ở mức hơn 17.000 đồng/CP, giảm khoảng 27% so với phiên cuối cùng của năm 2023. GEX khiến vốn hóa thị trường Gelex “bay hơi” hơn 5.500 tỷ đồng. Đây cũng là khoản thua lỗ mà cổ đông của công ty này phải gánh chịu sau gần 1 năm nắm giữ.

Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu GEX

Mới đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin ngày 11/11, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phát đi văn bản cho biết qua tổng hợp các kết luận thanh tra tại Eximbank cho thấy, ngân hàng này còn tồn tại, vi phạm, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, liên quan đến những lỗi chủ quan dẫn đến nợ xấu.... tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của ngân hàng.

Để bảo đảm Eximbank hoạt động an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị đối với Eximbank tại kết luận thanh tra theo quy định và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của chi nhánh Eximbank trên địa bàn; đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, bảo đảm Eximbank tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền khi phát hiện Eximbank không tuân thủ quy định của pháp luật (nếu có).

Trước những thông tin trên, cổ phiếu GEX đã giảm mạnh. Kể từ 7/11 tới 19/11, GEX chỉ tăng giá duy nhất trong phiên 15/11. Ở các phiên còn lại, GEX chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư bán mạnh.

Thị giá cổ phiếu GEX giảm mạnh so với đầu năm 2024.

Cụ thể, trong ngày 19/11, khối lượng giao dịch của GEX đạt đỉnh trong tháng 11 khi lên tới 13,3 triệu đơn vị, tương đương 234 tỷ đồng. Đây là khối lượng giao dịch cao nhất của GEX kể từ ngày 1/8/2024. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của GEX chỉ là 6,6 triệu đơn vị.

Trước đó, trong báo cáo phân tích được công bố hồi đầu tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) đặt rất nhiều kỳ vọng vào GEX. Theo đó, ORS tin rằng mức giá kỳ vọng của GEX sẽ lên tới 29.000 đồng/CP, mang lại khoản lợi nhuận 24,2% cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, so với thời điểm ORS đưa ra dự báo, giá GEX đã giảm 6.150 đồng/CP, tương đương 26,3%. Nếu nghe theo lời khuyên của chuyên gia để mua vào cổ phiếu thì các nhà đầu tư có thể đã phải chịu thua lỗ nặng.

Nhóm cổ đông lớn kiến nghị hủy việc miễn nhiệm ông Ngo Tony

Thông tin trên báo chí, ngày 15/11, nhóm cổ đông sở hữu 5,66% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank đã có văn bản kiến nghị HĐQT ngân hàng hủy Nghị quyết số 366/2024/EIB ngày 06/11/2024 đồng thời loại bỏ nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Ngo Tony và các tài liệu liên quan khỏi chương trình đại hội và nội dung cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng dự kiến tổ chức vào ngày 28/11/2024.

Trong văn bản, nhóm cổ đông cho rằng, việc đưa nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) đối với ông Ngo Tony là vi phạm nghiêm trọng điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của ban Kiểm soát, Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật hiện hành.

Theo văn bản, trước đó, một nhóm cổ đông đề xuất miễn nhiệm ông Ngô Tony vào ngày 29/10/2024 với lý do phát tán tài liệu “Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank”, nhưng lại không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh ông Ngô Tony là người phát tán tài liệu đó.

Ngoài ra, lý do miễn nhiệm ông Ngô Tony được nhóm cổ đông nói trên đưa ra không thuộc bất cứ trường hợp nào được quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024; Điều 174 Luật Doanh nghiệp năm 2020; Điều 63, Điều 67, Điều 68 Điều lệ  Eximbank.

Thêm nữa, việc miễn nhiệm ông Ngo Tony còn khiến ngân hàng vi phạm quy định số lượng thành viên Ban Kiểm soát tối thiểu được quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (khoản 2 Điều 44 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010), khoản 2 Điều 56 Điều lệ Eximbank.

Được biết, trong ngày 15/11/2024, Tòa án Nhân dân Quận 1 TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi một số thành viên HĐQT Eximbank thông báo đã thụ lý việc dân sự liên quan đến yêu cầu hủy bỏ việc đưa đề xuất miễn nhiệm ông Ngo Tony vào nội dung cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng.

Văn bản của Tòa nêu rõ trong vòng 15 ngày, người được thông báo phải nộp ý kiến đối với yêu cầu nêu trên cùng chứng cứ kèm theo. Quá thời hạn trên, Tòa sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Các động thái liên quan đến ông Ngo Tony được tiến hành trong bối cảnh hoạt động Eximbank còn nhiều tồn tại khiến cơ quan chức năng đề nghị phải tăng cường giám sát.

Thông tin trên truyền thông ngày 19/11, Đại diện Eximbank cho rằng, ngân hàng liên tiếp nhận được các câu hỏi của Cổ đông và nhà đầu tư, khách hàng, đối tác về thông tin Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản thanh tra cá biệt với Eximbank liên quan đến các vấn đề có tính chất “vi phạm” trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Đơn vị này khẳng định không nhận được bất kỳ Quyết định nào của Ngân hàng Nhà nước về việc tiến hành thanh tra về các hoạt động cấp tín dụng của Eximbank trong thời gian gần đây. Eximbank khẳng định luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác.

Ngoài ra, các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Gần nhất, vào tháng 7.2024, tổ chức xếp hạng quốc tế S&P Ratings đã đánh giá, xếp hạng tín nhiệm Eximbank mức “B+” với triển vọng “ổn định”.

"Kết quả kinh doanh 09 tháng đầu năm 2024 của Eximbank cho thấy: Tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ; Tổng huy động tăng 9,1% so với đầu năm; tăng 12,2% so với cùng kỳ; Dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý III tăng 39% so với cùng kỳ); Tỷ lệ an toàn vốn CAR luôn ở ngưỡng 12 - 14% (cao hơn so với ngưỡng 8% theo quy định Ngân hàng nhà nước). Eximbank luôn tuân thủ thực hiện công bố thông tin theo quy định để đảm bảo tính minh bạch với các bên liên quan" - ngân hàng này thông tin.