Thế hệ Z lo công nghệ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm

15:41, 11/06/2021

Thế hệ Z là nhóm lao động lạc quan nhất về cơ hội công việc thời công nghệ. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm lo ngại nhất về tác động của công nghệ đến cơ hội việc làm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thế hệ Z (nhóm nhân khẩu học từ khoảng 17 - 25 tuổi) dự kiến sẽ đóng góp 1/3 lực lượng lao động vào năm 2025. Báo cáo "Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?" do PwC Việt Nam vừa công bố tiết lộ con số ấn tượng về lực lượng lao động này. Đây là nhóm lao động lạc quan nhất về cơ hội công việc thời công nghệ, với 87% người trẻ nhìn nhận tích cực.

Đang là sinh viên, anh Đức làm thêm từ xa bằng công việc dựng phim, dựng video cộng tác cho các công ty truyền thông và một vài tòa soạn. Sự am hiểu công nghệ thông tin giúp anh dễ dàng có công việc từ xa, bất chấp bối cảnh dịch bệnh.

"Dựng phim, dựng hình, dựng âm thanh yêu cầu mình phải am hiểu về công nghệ. Đối với thế hệ trẻ cần phải am hiểu, tiếp thu về công nghệ để có lợi thế khi tìm việc làm", anh Đinh Huy Đức, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ.

Anh Đức thuộc nhóm 87% lao động thế hệ Z lạc quan về cơ hội việc làm. Sự lạc quan này không sai, khi kỷ nguyên số tạo ra nhiều ngành nghề mới như: sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot... và đồng thời cũng khiến những ngành nghề truyền thống như bất động sản, kế toán, bảo hiểm đòi hỏi trình độ kỹ thuật số cao hơn.

Thế hệ Z lo công nghệ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm - Ảnh 1.

Thế hệ Z cho rằng công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi. (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

"Khảo sát về mức độ sẵn sàng kỹ năng của PwC cho thấy, trên 70% thế hệ trẻ mong muốn được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ này cao hơn so với mức ghi nhận toàn cầu là 50%. Điều này cho thấy thế hệ trẻ của Việt Nam có thể chưa được đào tạo kỹ năng số một cách bài bản ở nhà trường", ông Quách Thành Châu, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo nguồn nhân lực PwC Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, PwC chỉ ra 3 mối quan ngại lớn nhất của thế hệ lao động trẻ. Thế hệ Z cho rằng công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi, lo lắng họ sẽ không có năng lực phù hợp và lo ngại họ sẽ không thể học các kỹ năng phù hợp.

Theo tập đoàn nhân lực ManpowerGroup Việt Nam, nhân sự thế hệ Z ham học hỏi, nhiệt tình. Tuy nhiên, thế hệ Z chưa kiên trì và mục tiêu rõ về việc tăng thu nhập, nên khả năng nhảy việc tương đối cao.

"Chúng tôi nhấn mạnh những đặc tính phẩm chất tốt đẹp của các em thế hệ Z. Mặt khác, chúng tôi cung cấp thông tin tích cực về việc các em có thể thay đổi công việc. Đây cũng là đặc điểm chúng tôi mang đi để thuyết phục nhà tuyển dụng khi họ cân nhắc giữa việc chọn một em thế hệ Z hay một em thế hệ trước đó", bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam, cho hay.

Dù có cả ưu điểm và nhược điểm, tuy nhiên thế hệ Z vẫn được dự báo là lực lượng đáp ứng tốt nhất về làm việc linh hoạt và làm việc từ xa hiệu quả nhất.

Theo vtv.vn