Thị trường chứng khoán Việt Nam "lỡ chuyến tàu" nâng hạng trong năm 2024

10:17, 09/10/2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 trong năm 2024. Do đó, Việt Nam cần duy trì tốc độ thay đổi nếu muốn đạt mục tiêu năm 2025.

Việt Nam vẫn nằm ở vị trí theo dõi 

Trong kỳ đánh giá tháng 10/2024, FTSE Russell (một công ty độc lập và có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu; thuộc sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán London) tiếp tục giữ nguyên Việt Nam ở vị trí theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2.

Việt Nam nằm trong danh sác này từ tháng 9/2018, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn còn quá nhiều lý do để chưa nâng cấp được lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Đánh giá của FTSE về thị trường Việt Nam.

 

Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Theo FTSE Russell, lý do chưa được nâng cấp là Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", hiện đang được xếp loại là "Hạn chế" do thực tế thị trường yêu cầu kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn vốn trước khi thực hiện giao dịch.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần duy trì tốc độ thay đổi nếu muốn được nâng hạng trong năm 2025.

FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Việt Nam 

Theo FTSE Russell, mô hình thanh toán "Không cần ký quỹ trước" (NPF) đã được tinh chỉnh thêm thông qua quá trình trao đổi và làm việc giữa một nhóm đại diện ngành và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18/09/2024, đưa ra các sửa đổi đối với nhiều quy định. Thông tư này loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước đối với nhà đầu tư quốc tế, bằng cách cập nhật các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán bù trừ giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin.

“Thông báo quan trọng tiếp theo dự kiến sẽ là việc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDCC) công bố các quy tắc hoạt động chi tiết hơn”, FTSE Russell cho biết.

Họ tiếp tục khuyến khích các cuộc trao đổi giữa các đơn vị Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế, nhằm đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan quốc tế và địa phương sẽ sử dụng chúng.

“Điều quan trọng là phải duy trì tốc độ thay đổi nếu Việt Nam muốn đạt được thời hạn mục tiêu năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt ra đầu năm nay. Các quy tắc thị trường sửa đổi cần được xác nhận và truyền đạt rộng rãi trong thời gian tới, bao gồm việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cùng với lộ trình và các mốc quan trọng để triển khai”, FTSE Russell cho biết.

FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách thị trường và đánh giá cao mối quan hệ xây dựng với UBCKNN, các cơ quan quản lý thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng lớn hơn.

Kỳ vọng nâng hạng vào năm 2025

Nâng hạng thị trường đã là một mục tiêu quan trọng nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ từ năm 2021, nhưng gần đây đã được chú trọng đẩy mạnh hơn.

Với bước tiến gỡ bỏ nút thắt prefunding, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá đây là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2.

"Việc áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình kể từ 2025-2028 theo Thông tư 68 là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay thị trường ngoại hối còn nhiều rào cản trước mắt", trích từ báo cáo của ACBS.

ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi hạng 2 sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, việc chuyển từ thị trường cận biên lên mới nổi không chỉ là thay đổi tên gọi, mà còn là sự thay đổi về chất với dòng vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và quan trọng là hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển sôi động và minh bạch hơn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới niêm yết, thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Các chuyên gia dự đoán, khi được nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam có thể tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0.7-0.9% danh mục thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).