Thị trường viễn thông Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn?
Gồm 6 chương và 66 điều, dự thảo Luật viễn thông quy định một số nội dung quan trọng như: mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng, nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch.
Dự thảo Luật viễn thông do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo đã lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chiều ngày 20/4/2009.
Năm 2002, cũng do những phát triển vượt bậc của ngành viễn thông Việt Nam, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ra đời đã tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh, hỗ trợ các DN hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nảy sinh nhiều yếu tố mới, nhất là sau Việt Nam gia nhập WTO, và Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông đã không còn theo kịp sự phát triển của ngành này. Luật viễn thông ra đời là điều cần thiết để thúc đẩy ngành viễn thông - CNTT Việt Nam phát triển. Vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã phóng thành công vào quỹ đạo mở ra một kỷ nguyên phát triển cho ngành viễn thông VN. (Ảnh: VNN).
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, 2 lý do cần thiết để xây dựng Luật viễn thông, đó là: Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với những sự thay đổi về thị trường, công nghệ và luật pháp và thể chế hoá các quan điểm, cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là về kinh tế thị trường, cải cách hành chính, với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy canh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực viễn thông.
DN tư nhân được thiết lập hạ tầng mạng viễn thông
Thị trường viễn thông Việt Nam đã chuyển mạnh từ độc quyền sang cạnh tranh, chứng minh hiệu quả bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây như: nhiều công nghệ mới được áp dụng, dịch vụ đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ....Doanh số của toàn ngành viễn thông năm 2008 đạt 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30%/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2008 là 11.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2008, Việt Nam có 10 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ TT&TT cấp phép. Số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng, với khoảng 70 triệu thuê bao điện thoại và hơn 20 triệu người sử dụng Internet tính đến năm 2008.
Mặc dù vậy, quy mô và sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông. Chất lượng và giá cước một số dịch vụ có nơi, có lúc còn chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội...Đó là những lý do mà thị trường này cần được mở rộng và thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa.
Có thể thấy, dự thảo Luật viễn thông đã mạnh dạn đề nghị việc mở rộng và huy động mọi thành phần kinh tế của xã hội, kể cả tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng mạng, nhằm làm giảm rủi ro kinh doanh vốn nhà nước, nếu chỉ để DN nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc gia nhập thị trường viễn thông.
Một số vấn đề cơ bản của ngành viễn thông Việt Nam được quy định thành các chương, ví dụ: Kinh doanh viễn thông (quy định 10 điều), Viễn thông công ích (3 điều), Quản lý viễn thông (bao gồm 6 mục và 35 điều), Công trình viễn thông (bao gồm 5 điều)...Đặc biệt, điều 13 của chương 2 quy định: các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.
Cơ chế thị trường với tài nguyên viễn thông
Ngoài ra, Luật viễn thông cũng quy định những điều khoản nhằm làm tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động viễn thông, đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông, và áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý tài nguyên viễn thông.
Theo Bộ TT&TT thì tài nguyên viễn thông gồm: tần số, kho số, tên miền, địa chỉ Internet, là dạng tài nguyên có giá trị và trong nhiều trường hợp là tài nguyên quý hiếm, hữu hạn, mang tính thương mại cao và tổng số nguồn tài nguyên này không đủ khả năng phân bổ theo nhu cầu sử dụng. Trên thế giới việc phân bổ nguồn tài nguyên viễn thông này được thực hiện thông qua nhiều hình thức như cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển. Đặc biệt là đối với nguồn tài nguyên như các băng tần số thương mại, có khả năng sinh lợi nhuận cao (ví dụ băng tần 3G) thì đa số các nước áp dụng hình thức thi tuyển hoặc đấu giá, qua đó Nhà nước có thể thu được hàng trăm triệu thậm chí hàng chục tỷ USD như tại Tây Âu, Bắc Mỹ.
Một cơ chế thị trường được đề nghị để quản lý tài nguyên viễn thông. Chẳng hạn: Các tài nguyên như băng tần số sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức thi tuyển, đấu giá; Cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tài nguyên viễn thông có được thông qua đấu giá; Thực hiện đền bù khi Nhà nước giải phóng tài nguyên viễn thông theo quy hoạch....
Đối với việc mở rộng cửa để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường viễn thông Việt Nam, các DN trong nước dường như cũng đã chuẩn bị từ lâu, và đây là điều tất yếu khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Dự thảo Luật viễn thông quy định sẽ thực hiện việc này theo lộ trình Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông thì không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp mới và làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó, mà có thể làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hoặc làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư đã có và trực tiếp làm thủ tục xin cấp giấy phép viễn thông.
Theo VietnamNet