Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4

10:13, 21/04/2023

Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2023.

Công điện nêu: Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 (từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5/2023) và cao điểm du lịch hè năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 

1- Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, như người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 và nghỉ hè 2023.

2- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ, các sở giao thông vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19; chỉnh trang, bảo đảm điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng tại các đô thị lớn và địa bàn thu hút đông khách du lịch; khẩn trương xử lý các điểm đen tai nạn giao thông mới phát sinh; rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, biển chỉ dẫn bảo đảm dễ nhận biết, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác.

3- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông trong dịp cao điểm nghỉ lễ và du lịch hè 2023. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức tuyên truyền các bài học kinh nghiệm từ các vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã từng xảy ra trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè những năm trước; cảnh báo về các hành vi, các địa bàn và những tình huống về thời tiết, môi trường có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; hướng dẫn người dân lựa chọn thời điểm, phương tiện, tuyến đường tham gia giao thông để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

4- Bộ Y tế chỉ đạo các sở y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước xây dựng phương án dự báo những khu vực và thời điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông theo kinh nghiệm những năm trước đây để có phương án bố trí lực lượng (đặc biệt là các trung tâm cấp cứu 115 trên toàn quốc), phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.

5- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở du lịch yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào công tác tổ chức các hoạt động du lịch trên toàn quốc, đặc biệt là bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các địa bàn thu hút khách du lịch, điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.

6- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức hoạt động vận tải và bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông; công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ trên địa bàn.

7- Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực theo chế độ 24/7 và báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 (báo cáo nhanh hàng ngày, gửi trước 14h; báo cáo tổng hợp 5 ngày, gửi trước 14h30' ngày 3/5/2023), gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Tài chính-ngân sách (bao gồm: Ngân sách Nhà nước; ngân quỹ Nhà nước; nợ công; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách Nhà nước; dự trữ Nhà nước; các quỹ tài chính Nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hàng năm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan khác được Nhà nước giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí hoặc thu khác của ngân sách Nhà nước.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, mặt nước, tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, lệ phí trước bạ và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật;..

Kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số, đặt cược, casino, trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức sản xuất, kinh doanh lập phương án giá và làm cơ sở thẩm định các phương án giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá; phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn phương pháp định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành;...

Cơ cấu tổ chức

Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm:

1- Vụ Ngân sách Nhà nước.

2- Vụ Đầu tư.

3- Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).

4- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.

5- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.

6- Vụ Hợp tác quốc tế.

7- Vụ Pháp chế.

8- Vụ Tổ chức cán bộ.

9- Thanh tra.

10- Văn phòng.

11- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

12- Cục Quản lý công sản.

13- Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.

14- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

15- Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

16- Cục Quản lý giá.

17- Cục Tin học và Thống kê tài chính.

18- Cục Tài chính doanh nghiệp.

19- Cục Kế hoạch-Tài chính.

20- Tổng cục Thuế.

21- Tổng cục Hải quan.

22- Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

23- Kho bạc Nhà nước.

24- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

25- Viện Chiến lược và chính sách tài chính.

26- Thời báo Tài chính Việt Nam.

27- Tạp chí Tài chính.

28- Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (24) nêu trên là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (25) đến (28) là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.

Vụ Ngân sách Nhà nước có 4 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 7 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các đơn vị sự nghiệp khác thuộc bộ.

Về điều khoản chuyển tiếp, Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2023.

Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 425/QĐ-TTg 20/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.

Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang). Diện tích lập quy hoạch khoảng: 25.830 ha. Trong đó thành phố Bắc Giang: 6.656 ha; huyện Yên Dũng: 19.174 ha.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (trong đó sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang).

Theo nhiệm vụ quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người. Trong đó dân số nội thị khoảng 365.200 người, chiếm 77% tổng dân số; đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người. Trong đó dân số nội thị đô thị Bắc Giang khoảng 565.000 người, chiếm 85% tổng dân số.

Đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội

Quyết định cũng nêu rõ tính chất quy hoạch chung đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh-thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Quy hoạch đô thị Bắc Giang là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính-chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang; là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh) với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch-nghỉ dưỡng, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh.

Tập trung khai thác các lợi thế có vị trí chiến lược

Một trong các yêu cầu trọng tâm cần nghiên cứu quy hoạch đô thị Bắc Giang đó là tập trung khai thác các lợi thế có vị trí chiến lược: Là đô thị cửa ngõ, trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và nằm trên nhiều tuyến giao thông đối ngoại rất đa dạng, thuận lợi và quan trọng. Do vậy, từ khu vực dễ dàng kết nối với các trung tâm lớn trong Vùng, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho đô thị đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Phát huy các lợi thế phát triển công nghiệp với các ngành sản xuất có giá trị cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp cấp vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị mạnh mẽ và gia tăng sức hút lực lượng chuyên gia, lao động đến sinh sống và làm việc tại đô thị Bắc Giang. Phát triển các chức năng cấp vùng có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh, đồng thời chia sẻ các chức năng trong vùng Thủ đô Hà Nội.

Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú: Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc, nhiều cảnh quan thiên nhiên như: sông Thương, vùng đồi núi bao quanh thành phố Bắc Giang (dãy núi Nham Biền (Đồng Sơn), hệ thống đồi Quảng Phúc (Song Mai)), phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, điểm trung chuyển khách du lịch đến các khu du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Tập trung nghiên cứu các chức năng cải thiện mức độ đáng sống của đô thị Bắc Giang, trên cơ sở phát triển các dịch vụ nền tảng, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và nhà ở chất lượng.

Thiết kế đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc

Về định hướng phát triển không gian đô thị, định hướng phát triển đô thị đến năm 2030 tập trung tái phát triển chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở tại khu vực thành phố hiện hữu và các thị trấn (huyện Yên Dũng), các xã dự kiến lên phường để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và mở rộng đô thị trong tương lai, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.

Định hướng phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045, tiếp tục phát triển đô thị theo hướng Nam và hướng Đông, gồm các khu đô thị mới đồng bộ, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu nhà ở công nhân có kết hợp với sản xuất tạo được nét đặc thù của đô thị, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu cây xanh vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch.

Thiết kế đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan dãy núi Nham Biền và cảnh quan dọc hai bên sông Thương, sông Cầu... phải được khai thác hiệu quả. 

Thiết kế đô thị phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội, trong đó nâng cấp, cải tạo và khai thác các khu đô thị hiện hữu; tăng cường khả năng giao lưu và tạo sự hấp dẫn của đô thị du lịch thông qua hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-20-4-102230421104240353.htm