Thông tin về kết quả kiểm tra game có đường lưỡi bò
Ngày 20-11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trên mạng xã hội lại xuất hiện thông tin phản ánh trò chơi điện tử (game) có tên "Hẹn đẹp như mơ" phát hành tại Trung Quốc cũng có hình ảnh đường lưỡi bò và đã được một công ty của Việt Nam mua bản quyền phát hành trò chơi này tại Việt Nam.
Thông tin này xuất hiện sau sự việc game không phép "Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc" bị gỡ bỏ trên kho ứng dụng Google Play và App Store, do game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Sau khi có thông tin trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã kiểm tra, đối chiếu nội dung game "Hẹn đẹp như mơ" đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cũng như game thực tế được phát hành trên mạng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, không có bất kỳ hình ảnh bản đồ có gắn đường lưỡi bò nào trong game như nội dung phản ánh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Cục cũng đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát game "Hẹn đẹp như mơ" nói riêng và toàn bộ game có bản quyền từ Trung Quốc của doanh nghiệp phát hành nói chung, đồng thời có báo cáo giải trình về Cục cũng như thông tin đầy đủ về sự việc trên fanpage của game và của doanh nghiệp.
Mặc dù thông tin phản ánh về hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong game "Hẹn đẹp như mơ" là không có căn cứ nhưng nguy cơ về các vi phạm tương tự vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã thông tin tới các doanh nghiệp cung cấp game, yêu cầu thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo tại công văn ngày 22-10-2019 của Cục gửi các doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường rà soát các hình ảnh, sơ đồ, bản đồ trong game để bảo đảm không vi phạm chủ quyền biên giới, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tại công văn ngày 22-10-2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có cả các trò chơi điện tử trên mạng.
Công văn yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, kiểm tra nội dung kịch bản, game đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là game có nguồn gốc nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, dừng hợp tác đối với những doanh nghiệp nước ngoài đã có hành vi vi phạm về các nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game.
Theo PLO