Thu 180 nghìn tỷ đồng thuế từ hoạt động thương mại điện tử

08:49, 27/04/2024

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại buổi cung cấp thông tin về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/HT

Đây là thông tin do ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại buổi họp báo chia sẻ  về tình hình công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam do Tổng cục Thuế tổ chức chiều ngày 25/4 tại Hà Nội. 

Đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp trước mắt và dài hạn theo chức năng nhiệm vụ tới từng cơ quan thuế, từng cán bộ thuế nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT như: Tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, chủ sở hữu nền tảng TMĐT; tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần lan tỏa chủ trương chính sách của nhà nước về phát triển TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh, phát triển bền vững trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhà nước. Lũy kế đến nay đã có 94 Nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

"Với các nhà cung cấp nước ngoài từ khi mở cổng tự khai nộp số thuế đóng góp vào ngân sách ngày một tăng lên, hàng kỳ công khai số liệu đầy đủ", đại diện ngành thuế cho hay.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết thêm, ngành thuế đã xây dựng và chính thức vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) về TMĐT được thu thập từ nhiều nguồn thông tin theo quy định. CSDL TMĐT được tập trung tại Tổng cục Thuế để hỗ trợ các cơ quan thuế địa phương khai thác và sử dụng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT...; chỉ đạo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ quan thuế các cấp tập trung vào các nhóm người nộp thuế có hoạt động liên quan đến lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để chống thất thu và tăng cường ý thức chấp hành pháp luật thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT...

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực TMĐT thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác.

Theo đó, Bộ Công an và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ CSDL quốc gia về dân cư với CSDL về mã số thuế (MST). Đến nay, nếu tính trên số lượng MST không bao gồm người phụ thuộc và các MST không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ (CMND, CCCD) thì đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ CSDL của Bộ Công an với CSDL về MST để triển khai việc chuyển đổi sử dụng CCCD làm MST theo quy định.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế. Kết quả đến nay có 663.157 lượt kết nối, tổng số truy cập là 400.791 lượt.

Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL cho Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Cả 5 bộ, ngành: Bộ tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc thống nhất kế hoạch chi tiết để triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Tăng kết nối cơ sở dữ liệu, lấy người dân, DN làm trung tâm

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay: Ngành này đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT; Website/ứng dụng TMĐT; Nền tảng mạng xã hội; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; Nền tảng đại lý; Nền tảng thuê bao; Nền tảng quảng cáo; Nền tảng kho ứng dụng. Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (~ 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; Năm 2023 doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (~ 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho hay: "Ngành thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT".

Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình, …), tổ chức đối thoại trực tiếp, tổ chức đường dây nóng 24/7... Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch TMĐT Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

Ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu CSDL TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, ngành Thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết: Cơ quan này cùng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành trong khuôn khổ triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT nói chung, công tác quản lý thuế nói riêng.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/thu-180-nghin-ty-dong-thue-tu-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-10224042519135163.htm)