Thủ đô hưởng ứng phong trào 'Bình dân học vụ số'

14:37, 10/04/2025

Không còn là khái niệm xa vời, chuyển đổi số đang gõ cửa từng ngõ phố, từng mái nhà tại Thủ đô bằng phong trào “Bình dân học vụ số” - một hành trình khai mở tri thức số cho mọi người dân.

AI giúp học sinh chuyển từ tiếp nhận thụ động sang chủ động khám phá tri thức

Bằng những cách làm giản dị, gần gũi và thiết thực, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ giúp mọi tầng lớp nhân dân biết dùng, hiểu rõ, mà còn làm chủ công nghệ, tự tin bước vào thời đại số. Đó là cách Hà Nội xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mỗi người dân đều là chủ thể trong xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại và nhân văn.

Cô giáo Bùi Bích Phượng cùng các em học sinh lớp 4A6 thực hành với AI thông qua bài giảng trên nền tảng Bình dân học vụ số - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội), những tiết học về Trí tuệ nhân tạo (AI) và Gen AI trên nền tảng "Bình dân học vụ số" đang dần trở thành một phần quen thuộc trong thời khóa biểu.

Công nghệ không chỉ mang đến trải nghiệm học tập mới mẻ, mà còn mở ra cánh cửa tri thức rộng lớn, nuôi dưỡng sự tò mò và khơi dậy sáng tạo ở học sinh. Theo cô giáo Bùi Bích Phượng, chủ nhiệm lớp 4A6, việc học AI đã thay đổi cách tiếp cận kiến thức của học sinh từ tiếp nhận thụ động sang chủ động khám phá.

"Các con tiếp cận công nghệ một cách tự nhiên, chủ động đặt câu hỏi, tự tìm câu trả lời. Tôi thấy rõ sự thay đổi từ ánh mắt thích thú đến tinh thần học tập chủ động trong mỗi giờ học", cô Phượng chia sẻ.

Cô Phượng cũng cho biết thêm, nền tảng số này còn giúp học sinh tiếp tục tự học tại nhà với sự đồng hành của phụ huynh. Nhiều cha mẹ cũng tham gia các khóa học trên nền tảng, vừa để hỗ trợ con, vừa nâng cao kỹ năng phục vụ công việc và đời sống. Mô hình học tập mở này đang góp phần hình thành những công dân số đầu tiên ngay từ cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nguồn nhân lực hiện đại

Khẳng định tầm quan trọng của phong trào "Bình dân học vụ số" trong môi trường quân đội, Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 5, (Trung đoàn Bộ binh 692, Sư đoàn Bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết, việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ khai thác hiệu quả các tiện ích công nghệ, mà còn nâng cao chất lượng huấn luyện, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, góp phần cải thiện đời sống và khơi dậy tinh thần sáng tạo trong đơn vị. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thủ đô hưởng ứng phong trào 'Bình dân học vụ số'- Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô) cùng các chiến sĩ tham gia khóa học "Bình dân học vụ số" - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Từ nhận thức đó, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo nhằm lan tỏa phong trào sâu rộng trong toàn tiểu đoàn. Trong các giờ học chính trị, huấn luyện và sinh hoạt, cán bộ giảng dạy lồng ghép nội dung về kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tế huấn luyện, giúp chiến sĩ tiếp cận công nghệ một cách thiết thực. Đài phát thanh nội bộ thường xuyên phát sóng chuyên đề về chuyển đổi số, cập nhật kiến thức mới; lễ phát động phong trào được tổ chức bài bản, sôi nổi, tạo khí thế thi đua mạnh mẽ trong toàn đơn vị.

Trên thực tế, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, rào cản lớn nhất là sự chênh lệch về trình độ nhận thức và khả năng thích ứng với công nghệ của chiến sĩ trẻ. Điều này khiến việc tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế, thiếu đồng đều.

Để khắc phục, đơn vị chủ động tổ chức các buổi huấn luyện ngoại khóa chuyên sâu, xây dựng mô hình "Đôi bạn cùng tiến" nhằm tạo điều kiện cho những chiến sĩ có kỹ năng tốt kèm cặp, hỗ trợ đồng đội. Mô hình này đã bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao trình độ đồng đều, từ đó lan tỏa tinh thần học tập công nghệ trong toàn tiểu đoàn.

Nhiều mô hình hay cách làm hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ phong trào

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ cũng đã triển khai đội hình "Bình dân học vụ số" với 22 đoàn viên, hội viên có kiến thức vững về công nghệ số, thường trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Chi nhánh số 1 TP Hà Nội để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tất cả các ngày trong tuần. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phục vụ nhân dân, mô hình còn thể hiện vai trò tiên phong của thanh niên Thủ đô trong việc lan tỏa tri thức số, thúc đẩy người dân trở thành công dân số một cách thiết thực và gần gũi.

Còn tại khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), lớp học "Bình dân học vụ số" dành cho người cao tuổi do ông Đinh Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã mang đến một cách tiếp cận công nghệ gần gũi, thiết thực và đầy cảm hứng.

Không chỉ là một mô hình nhỏ lẻ, lớp học của ông Đinh Ngọc Sơn là minh chứng sinh động cho sự lan tỏa của phong trào "Bình dân học vụ số" – nơi công nghệ không còn xa lạ với người cao tuổi, và chuyển đổi số thực sự đi vào từng khu phố, từng mái nhà của Thủ đô.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: "Trong kỷ nguyên số, khi hệ thống giáo dục mở đã sẵn sàng, trường lớp không thiếu, công nghệ thông tin phát triển nhanh chưa từng có, thì rào cản lớn nhất lại không nằm ở thiếu thiết bị, mà ở việc người dân chưa biết cách sử dụng và khai thác công nghệ cho việc học Chính vì thế, phong trào "Bình dân học vụ số" cần được triển khai mạnh mẽ, trở thành một cuộc vận động sâu rộng để trang bị kỹ năng số cho người đã biết chữ, người đã có trình độ những người chỉ còn thiếu một bước để tiếp cận tri thức toàn cầu".

Thực hóa mục tiêu xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số – những trụ cột cốt lõi được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số"...".