Thu phí tự động VETC có thực sự là ứng dụng công nghệ hiện đại?
Thời gian vừa qua, Cty TNHH Thu phí tự động VETC liên tiếp nhận được những phản hồi tiêu cực từ khách hàng. Đặc biệt, được quảng bá rầm rộ với thông điệp "giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại". Thế nhưng trên thực tế, ứng dụng công nghệ hiện đại này lại thường xuyên không nhận diện được khách hàng.
- Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thu phí tự động không dừng từ 9h00 ngày 11/8
- Chậm thu phí tự động - Không đơn giản là rút kinh nghiệm và khắc phục
- Sự "góp mặt" của Viettel trong cuộc đua thu phí tự động không dừng
- "Mò" lối thoát cho thu phí tự động không dừng
- Nếu nhà đầu tư BOT không thực hiện thu phí tự động sẽ dừng hoạt động
Được biết, Thu phí tự động (ETC) là công nghệ hiện đại được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Công nghệ này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiết kiệm nhiên liệu và thời gian của chủ xe - tránh ùn tắc; giảm thiểu sụt lún mặt đường; hạn chế dùng tiền mặt; giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, công nghệ ETC cũng giúp nhà đầu tư BOT tiết kiệm chi phí in ấn - giảm chi phí nhân sự đồng thời tránh thất thoát.
Công nghệ ETC là lắp đặt trạm thu phí tự động - không dừng trên các trục Quốc lộ, đường cao tốc bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại. Hiện nay, các nhà đầu tư ở nước ta đang áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification). Đây là công nghệ sử dụng sóng Radio để nhận diện tự động thông qua thẻ định danh Etag, được dán trên kính lái hoặc đèn pha của xe ô tô.
Công nghệ ETC giúp phương tiện di chuyển qua trạm thu phí mà không phải dừng - giữ được tốc độ lưu thông ổn định với độ chính xác cao. Khách hàng (chủ xe, tài xế) chỉ cần tạo tài khoản “ví điện tử” thông qua các nhà cung cấp và sử dụng dễ dàng, thuận tiện.
Tuy nhiên, khi được xây dựng và lắp đặt tại Việt Nam, do Cty TNHH thu phí tự động VETC (Cty VETC) là chủ đầu tư thì VETC lại thường xuyên xảy ra lỗi không hề đảm bảo được tính công nghệ như với tên gọi của nó.
Một trong những trạm BOT có làn thu phí tự động.
Cụ thể, thời gian gần đây, tại một Group trao đổi của các lái xe trên Mạng xã hội Facebook, các tài xế thường hay phàn nàn và bức xúc về việc liên tục gặp sự cố như: thao tác - vận hành không chính xác dẫn đến việc nhiều phương tiện đăng ký, nạp tiền, đi vào đường dành riêng ETC không nhận được tín hiệu, phải lùi lại dẫn đến cảnh tắc nghẽn hàng trăm mét hay VETC trừ "nhầm" tiền của khách hàng khi đi qua các trạm ETC.
Việc không nhận diện được khách hàng, khiến các phương tiện phải lùi lại dẫn đến nhiều phiền toái, đặc biệt rất dễ gây ra tai nạn giao thông liên hoàn nếu các phương tiện di chuyển phía sau không phản ứng kịp.
Theo một tài xế đã từng gặp sự cố tại VETC khu vực Phù Chẩn - Từ Sơn - Bắc Ninh bức xúc cho hay: "Sau khi đi qua trạm thu phí tại khu vực trên, một nhân viên của VETC đã yêu cầu tôi cho xe lùi lại vì vừa rồi "mắt thần" của VETC không nhận diện được thẻ định danh trên xe của tôi và tôi phải di chuyển xe xe sang làn bên cạnh để mua vé thủ công - truyền thống".
Cũng với trường hợp tương tự trên, do quá phẫn nộ nên một tài xế đã muốn được huỷ bỏ dịch vụ. Tuy nhiên, trái với những lời “đường mật” bên phía VETC đã đăng tải: “… trải nghiệm sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp mà VETC mang lại..." thì tài xế này lại nhận được thái độ gây khó dễ của nhân viên CSKH VETC.
VETC có thật sự mang lại tiện lợi cho khách hàng như đang quảng cáo?
Điều đáng nói ở đây, mặc dù trong tài khoản của tài xế này còn rất nhiều tiền nhưng cũng không được VETC hoàn trả lại. Hơn nữa, khi khách hàng không muốn tiếp tục sử dụng là bởi lý do chủ quan từ phía VETC nhưng để dừng được dịch vụ thì khách hàng phải quay lại nhà chỉ huy đầu bên kia để làm thủ tục. Tức là nếu muốn dừng dịch vụ khách hàng phải mất thêm 03 lần vé qua trạm BOT (tổng 105.000 VNĐ) và còn số tiền còn dư trong thẻ VECT thì cũng không được hoàn lại (!?)
Cũng liên quan đến những sự cố tại VECT, trước đó vào chiều ngày 26/1/2020, ông H (chủ xe ôtô biển kiểm soát 74A-348x) điều khiển phương tiện qua trạm BOT, ngày Tết nên lượng xe qua trạm ít, vì vậy ông H đi chậm, để ý thì thấy ở bảng điện tử có dòng chữ thông báo xe 74A-348x bị trừ 35 nghìn đồng.
Trong khi ông H là người có hộ khẩu thường trú tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), nên khi lưu thông qua trạm BOT của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (đặt tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) được giảm 50% giá vé.
Hơn 1 năm trở lại, ông H đăng ký dịch vụ thu phí tự động, mỗi khi xe qua trạm BOT sẽ bị trừ đi 18 nghìn đồng (phí qua trạm BOT chưa được giảm là 35 nghìn đồng). Ban đầu, khi qua trạm và bị trừ tiền, điện thoại của ông H có tin nhắn đến, nhưng sau đó thì không có tin nhắn nữa.
Trạm thu phí BOT Quảng Trị.
Thấy bị trừ tiền không đúng, ông H đề nghị nhân viên ở trạm thu phí BOT giải thích, thì nhận được câu trả lời do hệ thống chưa cập nhật kịp thời nên trừ nhầm.
Trước sự việc trên, ông Hoàng Gia Đại - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quảng Trị (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh) giải thích: Tại tỉnh Quảng Trị có hơn 10.000 xe ôtô được giảm giá vé khi qua trạm BOT của công ty, nên không kiểm tra từng xe được.
Danh sách các xe giảm giá vé thì cứ hết quý bên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC sẽ cập nhật lại. Nhưng qua năm 2020, có sai sót là một số trường hợp thuộc diện miễn giảm nhưng quay trở lại thu 100% giá vé.
Ông Đại khẳng định, trách nhiệm xảy ra sai sót là do đơn vị thu phí tự động chưa cập nhật đầy đủ thông tin. “Đơn vị thu phí tự động phải chịu trách nhiệm cập nhật đầy đủ thông tin giảm giá cho khách hàng” – ông Đại, nói thêm.
Liệu rằng với những sai sót trên, VETC sẽ nhanh chóng khắc phục, để nâng cao chuyên môn và phương thức quản lý hay quyết không?
VETC hưởng lợi gì từ hợp đồng ký kết với Bộ GTVT? Ngày 13/7/2016, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOO số 09/HĐ.BOO-GTVT với Công ty VETC. Theo cách thức thực hiện như hiện nay, để sử dụng dịch vụ các chủ phương tiện lái xe phải có một tài khoản giao thông trả trước để duy trì, sử dụng dịch vụ của VETC và toàn bộ số tiền này được nạp vào tài khoản ngân hàng do VETC là đơn vị thụ hưởng. Tuy nhiên, số tiền nộp trước này của các chủ phương tiện lại không được tính lãi. Tính trung bình, mỗi xe ô tô có khoảng từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng nạp vào tài khoản của VETC, nhân với khoảng 3 triệu xe ô tô ở Việt Nam thì rõ ràng VETC đã huy động được khoảng từ 1.500 tỷ đồng - 3.000 tỷ đồng từ các chủ phương tiện lái xe. Nếu số tiền nạp vào tài khoản trả trước của VETC này không được tính lãi theo lãi suất ngân hàng thì VETC đang chiếm dụng vốn của người dân với con số cực kỳ khổng lồ. Cũng theo cách thực hiện như hiện nay, doanh thu của các nhà đầu tư BOT sẽ được VETC chuyển trả sau 1 ngày (24 giờ). Như vậy, đối với tổng doanh thu của tất cả các trạm thu phí thì con số này không hề nhỏ và VETC có khả năng được hưởng lợi từ tiền lãi suất qua đêm đối với phần doanh thu của các Nhà đầu tư BOT này. Mặt khác, để đảm bảo lợi ích cho các chủ phương tiện, VETC phải tính lãi theo lãi suất ngân hàng đối với số tiền mà chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản của VETC khi sử dụng dịch vụ. |
PV (T/h)