Thứ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu tập trung tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT tại 19 tỉnh phía Nam
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại 19 tỉnh phía Nam trong mùa dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết thực hiện Chương trình phòng chống Covid-19 theo Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Bộ TT&TT có 3 nhiệm vụ chính: (1) Triển khai hệ thống CNTT phòng chống Covid-19; (2) Tuyên truyền thông tin tích cực và (3) Đảm bảo đáp ứng các mặt hàng thiết yếu.
Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì cuộc họp
Ngay sau đó, ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với 3 nội dung chính: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT cũng đã có Quyết định số 1035/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Cũng trong ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 2685 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch.
Thứ trưởng cho biết hiện nay nông sản ở các 19 tỉnh đang ùn ứ rất nhiều, do diễn biến phức tạp của bệnh dịch nên chưa tạo lập được vùng xanh để bà con thu hoạch, thương lái vào thu mua nông sản, chưa hình thành vùng cung cấp hàng hoá. Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu các Sở TT&TT khẩn trương vào cuộc.
Tại Hội nghị, một số Sở TT&TT đã báo cáo số lượng nông sản ùn ứ như Sở TT&TT Kiên Giang cho biết dự kiến tỉnh Kiên Giang cần tiêu thụ trong cuối tháng 7, 8 khoảng 241.000 tấn lúa, hơn 15.000 tấn gừng, 2.500 tấn chuối, hơn 6.000 tấn tôm sú, hơn 4.000 tấn tôm thẻ chân trắng, khoảng 600 tấn tôm càng xanh, hơn 4.000 tấn cua biển, hơn 200 tấn cá bớp… Tỉnh cần sự hỗ trợ của 2 nền tảng TMĐT lớn của BĐVN (Postmart) và Bưu chính Viettel (Viettel Post) để đưa hàng hóa ra khỏi tỉnh.
Đại diện các Sở TT&TT cũng cho biết đang tập trung triển khai các Quyết định số 1034, 1035 của Bộ TT&TT và sẽ sớm trình lãnh đạo tỉnh về kế hoạch triển khai các Quyết định trên.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ TT&TT coi việc tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Theo đó, các Sở TT&TT 19 tỉnh tập trung hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, đồng thời nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản theo đặc thù riêng của từng tỉnh để báo cáo tỉnh triển khai. Các Sở TT&TT cần rà soát từng nông sản, đề xuất các yêu cầu truyền thông nông sản kịp thời để Bộ giải quyết, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp bưu chính là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Bưu chính Viettel (Viettel Post) phải tham gia sâu, tích cực, đăng ký tiêu thụ được bao nhiêu nông sản cho bà con ở các tỉnh. Hai doanh nghiệp có thể nghiên cứu việc tiêu thụ thêm các mặt hàng nông sản theo khả năng.
Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Công thương và các tỉnh cho phép các shipper hoạt động. Các shipper này phải là của các doanh nghiệp, siêu thị có hợp đồng lao động với người giao hàng, được tập huấn và trang bị phương tiện bảo hộ, để có thể kiểm soát về con người, đồng thời kết nối cung ứng hàng hóa trong điều kiện đảm bảo phòng dịch một cách nghiêm ngặt.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có đại diện Bộ Công thương, các Sở TT&TT 19 tỉnh, Tổng công ty Bưu điện Vietnam, Viettel Post.
Chia sẻ kinh nghiệm tiêu thụ vải cho Bắc Giang, Thứ trưởng cho biết vào thời điểm tiêu thụ vải Bắc Giang chính vụ cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhưng ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn tiêu thụ vải với khối lượng lớn. Bắc Giang đã linh hoạt khi cho phép một số xe vận tải vải nằm "nội bộ" trong Lục Ngạn, ra cửa ngõ là có xe trung chuyển. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chủ động kiểm soát và ký xác nhận cho xe vận tải theo biển số xe để các xe đã qua kiểm dịch được đi qua được các chốt. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện khoanh vùng số hộ gia đình có nguy cơ, hộ gia đình khác vẫn đi thu hoạch vải khi đã được xét nghiệm không nhiễm Covid, sản phẩm vải thiều được trung chuyển ra khỏi vùng dịch.
Tại Hội nghị, hai doanh nghiệp bưu chính chủ lực là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) và Bưu chính Viettel (Viettel Post) được giao nhiệm vụ tham gia tiêu thụ nông sản đã cho biết những chuẩn bị tích cực.
Đại diện Viettel Post cho biết doanh nghiệp này đã xây dựng kế hoạch triển khai các Quyết định của Bộ để đồng hành với 19 tỉnh trong tiêu thụ nông sản. Viettel Post đã họp với các chi nhánh 19 tỉnh, làm việc với các Sở liên quan, thực hiện hướng dẫn bà con đưa nông sản lên sàn TMĐT, quảng bá giới thiệu trên các kênh di động… Bưu tá chủ động giới thiệu nông sản 19 tỉnh khi đi chuyển phát…
Đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi các Bưu điện tỉnh triển khai ngay các điểm bán hàng lưu động, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên cả 3 kênh là offline gồm cả các điểm bán hàng lưu động, trực tuyến và qua hotline, số điện thoại trực tiếp. Bên cạnh đó, BĐVN tổ chức tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT thông qua việc đưa hộ nông dân lên sàn, lên các chương trình tiêu thụ nông sản cho tháng 8, 9 và kéo dài từ tháng 7 – 12.
BĐVN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cấp Tổng công ty về tiêu thụ nông sản và hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo tại các Bưu điện tỉnh để phối hợp với các Sở TT&TT để triển khai, tổ chức các chương trình tiêu thụ nông sản, hướng dẫn đào tạo nông dân lên sàn, chuẩn bị các tài liệu, xây dựng các tuyến lưu thông hàng hoá, logistics để đảm bảo hàng hóa nông sản tại các tỉnh được tiêu thụ.
BĐVN hiện gặp vướng mắc về việc xét nghiệm Covid nhanh cho bưu tá, giấy chứng nhận cho lái xe đường dài, bưu tá nội thành phải chờ đợi kiểm tra nên việc chuyển phát còn chậm trễ.
Bên cạnh đó, bà con còn gặp khó khăn khi tham gia giới thiệu nông sản trên sàn TMĐT do chưa có trang thiết bị, chưa nhận thức đầy đủ về việc lên sàn, chưa có tài khoản thanh toán để giao dịch trực tuyến, chưa quen đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn… Theo đó, BĐVN đã kết hợp với các bên như VNPT để hỗ trợ cho bà con.
Minh Thuỳ (T/h)