Tham dự có bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, đại diện một số Bộ ngành liên quan, đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ TT&TT, một số Sở TT&TT khu vực phía Bắc, đại diện các hội, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực giao dịch điện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hội thảo hôm nay là hội thảo tổng kết chuyên đề thứ hai về Luật Giao dịch điện tử. Hội thảo chuyên đề thứ nhất về Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử đã được tổ chức vào ngày 23/6/2020, thu hút trên 150 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, cơ quan, doanh nghiệp, người dân sử dụng chữ ký số và các chuyên gia trong ngành. Qua Hội thảo này, Bộ TT&TT đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh quan trọng về vướng mắc trong triển khai Luật Giao dịch điện tử như: Cần làm rõ quy định về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu, tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử; việc áp dụng dấu thời gian; Quy định chưa đầy đủ về giao kết và hợp đồng điện tử; giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng điện tử; Công nhận chữ ký điện tử khác bên cạnh chữ ký số; Quy định cấp độ của chữ ký điện tử tham khảo kinh nghiệm quốc tế; vấn đề liên thông, xác thực chéo của chữ ký số công cộng Việt Nam với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến. …
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, trong quá trình triển khai đánh giá, tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử, Bộ TT&TT đã tổ chức các buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đã nhận sự phối hợp chặt chẽ, ý kiến đóng góp tích cực, mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm giá trị pháp lý, tính “tin cậy” trong giao dịch điện tử. Các ý kiến đóng góp đã thể hiện những tồn tại, vấn đề bất cập, những quy định thiết yếu còn thiếu để bảo đảm giao dịch điện tử an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để người sử dụng có được “niềm tin” trên môi trường mạng.
Toàn cảnh Hội thảo
Giao dịch điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đặc biệt, sau mỗi lần đại dịch, giao dịch điện tử càng phát triển mạnh. Sự bùng phát dịch SARS năm 2003 được xem là một sự thúc đẩy đối với lĩnh vực thương mại điện tử, sản sinh ra những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tái định hình các chuỗi cung ứng, làm thay đổi cách thức giao tiếp, làm việc là giao tiếp từ xa, làm việc trực tuyến, thực hiện các dịch vụ trực tuyến,… Việc chuyển dịch cách thức giao tiếp, làm việc trên môi trường trực tuyến làm cho các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, … trong giao dịch điện tử càng trở nên hết sức quan trọng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, tại Hội thảo hôm nay, sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm những ý kiến phản ánh, đóng góp, kiến nghị sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cho các vấn đề về: giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính phục vụ cho công tác đánh giá tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ và giải đáp câu hỏi để làm rõ các nội dung còn tồn tại, cần sửa đổi, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg và định hướng phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu dã được nghe các bài tham luận quan trọng, tập trung vào các nội dung như: Luật Giao dịch điện tử, các vấn đề về an toàn thông tin, trung gian trong giao dịch điện tử (Cục ATTT, Bộ TT&TT), Vấn đề giá trị pháp lý, chứng cứ, chứng từ, tài sản ảo trong giao dịch điện tử: Hiện trạng và đề xuất giải pháp sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (Bộ Tư pháp); Các vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực kinh tế tài chính và tổ chức trung gian trong giao dịch điện tử: Hiện trạng và đề xuất giải pháp sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (Bộ Tài chính); Vấn đề lưu trữ điện tử: Hiện trạng và đề xuất giải pháp sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (Bộ Nội vụ).
Đại diện cho khối doanh nghiệp, đại biểu đến từ Tiki có tham luận “Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và tình hình sử dụng, phát hành hóa đơn điện tử, triển khai hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại điện tử". Đại biểu đến từ BKAV trình bày tham luận “Rủi ro từ các phương thức xác thực điện tử không an toàn – Thực trạng tại Việt Nam”.