Dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử- viễn thông đến năm 2025
Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 hiện đang được Bộ TT&TT đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thời hạn góp ý sẽ kéo dài đến ngày 6/6/2020.
Dự thảo chương trình nhấn mạnh quan điểm tập trung xây dựng ngành công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, dựa trên những thành tựu mới của cuộc CMCN 4.0, làm động lực thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Hội thảo góp ý cho dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Trần Đức Lai cho biết, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 392 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020. Thời gian qua, chương trình này đã đạt những kết quả nhất định.
Đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo chương trình mới, ông Lai nhận định, chương trình mới bao hàm lĩnh vực rộng hơn, bao gồm cả công nghiệp CNTT và điện tử viễn thông. Đây là một chương trình lớn, rất có ý nghĩa cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Một trong những mục tiêu được đề ra tại dự thảo chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến năm 2025 là có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông.
Theo bản dự thảo 4.0 được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT giới thiệu tại hội thảo, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2023, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 được xây dựng trên quan điểm coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm thực hiện thành công các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong việc phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông Việt Nam.
Trong đó, xác định phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông là con đường chủ đạo, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới.
Chương trình cũng tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tạo thị trường; nuôi dưỡng hệ sinh thái thuận lợi; thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ số của doanh nghiệp và con người Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, sức cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự thảo Chương trình còn nhấn mạnh rõ quan điểm, Chương trình này là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam; lấy doanh nghiệp là hạt nhân, lấy thị trường chuyển đối số trong nước làm bàn đạp vươn ra khu vực và thế giới, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tiên tiến hàng đầu trên thế giới.
Cơ quan xây dựng dự thảo Chương trình đã đề xuất hàng loạt mục tiêu cụ thể cần đạt được giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2025 như: tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, trong đó có 10 doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD; có 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trên 1 tỷ USD; doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT trong nước làm chủ công nghệ, cung cấp được 90% các loại sản phẩm, giải pháp phần mềm, dịch vụ CNTT phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh...
TS Trần Đức Lai chia sẻ, để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Chương trình cần xem xét đề xuất sâu hơn các nhóm nhiệm vụ, tiêu chí, giải pháp về: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm; Xác đinh thế nào là sản xuất trong nước, tỷ lệ phần trăm như thế nào; Nguồn kinh phí thực hiện; Phát triển doanh nghiệp; Thông tin, truyền thông; Nâng cao chất lượng nhân lực và Phát triển thị trường.
Cụ thể, đề xuất đưa thêm điện tử gia dụng vào Chương trình; hay việc cần thiết có quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng để khuyến kích, thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới, sản xuất sản phẩm CNTT, điện tử - viễn thông trong nước.
Các đại biểu đã góp ý trực tiếp cho dự thảo Chương trình như: cần xây dựng một danh sách các công nghệ lõi mà Việt Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển; có quy định một hệ sinh thái để đưa công nghệ lõi ra thành sản phẩm thương mại hóa; có chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ toàn cầu… Ban dự thảo chương trình cần chủ động lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo của các doanh nghiệp, các tổ chức trong nhiều lĩnh vực vì phát triển công nghiệp ICT là nhu cầu không của riêng ai.
Thanh Tùng