Thủ tướng khuyến khích DN đổi mới sáng tạo và ứng dụng CNTT

Thanh Tùng 14:11, 27/05/2020

Dưới tác động của CMCN 4.0, nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo. Trên thế giới đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kiểu mới, đầu tư mạo hiểm hướng tới các DN công nghệ, nhất là ở các thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng. Bằng nhiều công việc cụ thể, mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao”, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. Việc mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động mang tính thêm thắt trong các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi phải sớm đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến, kể cả hoạt động R&D. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường, hợp lý hoá và điều chỉnh hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào các doanh nghiệp.

Tăng cường quản trị công cho hệ thống đổi mới sáng tạo

Trong kế hoạch thực hiện kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành. 

Thủ tướng khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung ban hành mới bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN.

Bộ KH&CN được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu chủ yếu của hệ thống khoa học quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển KHCN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, đãi ngộ, trọng dụng phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến chính sách quản lý, đãi ngộ, trọng dụng nhân lực trong lĩnh vực KHCN, Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN và chính sách thu hút cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.

Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan phát huy quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển KHCN, thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Tăng nguồn đổi mới cho nhân lực sáng tạo  

Nguồn nhân lực cũng là vấn đề then chốt đối với đổi mới sáng tạo. Năng lực sáng tạo quốc gia phụ thuộc phần lớn vào chất lượng giáo dục và đào tạo cho các nhà khoa học, kỹ nghệ và các nhà chuyên môn khác, và nó cũng phụ thuộc vào mức độ bao phủ của hệ thống giáo dục. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và kỹ năng. Kết quả đánh giá PISA năm 2012 của tổ chức OECD đối với học sinh trung học của Việt Nam khá cao.

Nhưng còn cần phải làm nhiều hơn nữa để gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng. Kinh phí cho đào tạo nghề cao đẳng không theo kịp tốc độ gia tăng số lượng sinh viên kỹ thuật và nghiên cứu.

Hệ thống giáo dục và đào tạo chính thức còn nặng về lí thuyết hoặc đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Ngoài hạn chế về kinh phí, việc quản trị giáo dục đại học còn thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và các biện pháp khuyến khích đáp ứng các nhu cầu đó.

Sự tích tụ năng lực sáng tạo trong các doanh nghiệp phụ thuộc vào các chuyên gia. Mở rộng cơ hội chuyên môn hóa theo ngành nghề ở bậc trung học phổ thông và nâng cao vị thế của đào tạo nghề là vấn đề cần thiết.

Cũng cần tạo thêm cơ hội nâng cao tay nghề cho những người đã tham gia lực lượng lao động và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn. Mở rộng cơ hội vừa học vừa làm và học tập suốt đời sẽ giúp xoá bỏ lỗ hổng về kỹ năng mềm.

Quan hệ đối tác công tư (PPP) cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia, tăng cường đầu tư vào dạy nghề nhằm tài trợ cho những chương trình đào tạo theo nhu cầu và tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng giáo trình và chương trình.

Những hạn chế về kỹ năng trong khu vực công ảnh hướng lớn tới quá trình cung ứng dịch vụ công. Cần ưu tiên thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ là xoá bỏ hạn chế về kỹ năng của nhân lực trong khu vực công vào năm 2020.

Thanh Tùng (T/h)