Thực hiện Nghị quyết số 43: Cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn

16:42, 25/05/2024

Họp phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung lớn liên quan đến sự đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra của cuộc giám sát; thực trạng việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện các nghị quyết; tính phù hợp, khả thi của các giải pháp trước mắt và lâu dài trong Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết được trình Quốc hội. 

Nghị quyết 43 - Tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế

Đa số ý kiến đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát; khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là phù hợp với thực tế. Hầu hết các chính sách được ban hành là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cấp bách, được người dân hưởng ứng tích cực. 

Cho rằng Nghị quyết Nghị quyết số 43/2022/QH15 ra đời trong một bối cảnh rất đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, kinh tế đất nước, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh: Trong tình hình đó, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với hình thức trực tuyến để xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 cho thấy Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong giải quyết tất cả các vấn đề mà thực tiễn đặt ra vì mục tiêu phát triển đất nước, vì quốc kế dân sinh.

"Cá nhân tôi đánh giá, điểm nổi bật nhất trong hai năm thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng và thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ trong phòng, chống dịch", đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhấn mạnh và cho rằng có được kết quả như vậy là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã thể hiện rất rõ tinh thần "ứng vạn biến" của Quốc hội. Nghị quyết này đã được ban hành rất nhanh, rất sớm. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai thực hiện. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế.

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều đại biểu khẳng định Nghị quyết số 43 là Nghị quyết đúng đắn, kịp thời được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống người dân và qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành, đặc biệt tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới.

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng bên cạnh kết quả đạt được còn một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng, việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng chậm so với yêu cầu đề ra. Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế chậm được cung ứng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh....

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với các đề xuất của đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... 

Các địa phương cần chú ý hơn nữa trong đẩy nhanh thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai.

Cũng là vấn đề về xử lý những khó khăn, vướng mắc, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025.

Đại biểu Mai cho biết, trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng. 

Tuy nhiên, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về các cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phải khắc phục có hiệu quả những bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Khẳng định việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng những hạn chế trong tổ chức thực hiện cũng cần phải có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Nghị quyết.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phải khắc phục có hiệu quả những bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Đây là nguyên nhân chính của việc giải ngân thấp. Ngoài công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập thì cần phải làm rõ các danh mục đầu tư chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác phân bổ vốn, tiến độ thi công và giải ngân của các dự án... 

Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao. 

‎Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn có gì khó khăn trong khâu điều hành. Đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên cũng cần có thời gian thực hiện rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ, có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch... Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc

Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) khẳng định, trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43, có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành đã góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 5 quan điểm, 3 mục tiêu của Nghị quyết số, phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát. 

Tuy nhiên, cũng có một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 7 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, nêu những nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Từ sự phân tích nêu trên, Đại biểu đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Để Nghị quyết 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 3 nội dung lớn. 

Cụ thể, thứ nhất, cần nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của đoàn giám sát. Thứ hai, ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ ngành với 70 kiến nghị được tổng hợp tại phụ luc 5 ban hành kèm theo báo cáo của đoàn giám sát. Thứ ba, cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) đề nghị Quốc hội đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43/2022/QH15, dư địa tài khóa, tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khả năng xây dựng chương trình phục hồi kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo. 

Ngoài ra, đại biểu Bế Minh Đức cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp như báo cáo giám sát đã đề ra, đặc biệt, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách của Nhà nước đối với các khoản vay ưu đãi để người dân, doanh nghiệp có thông tin tiếp cận vốn vay; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã kê khai thực hiện miễn giảm thuế thuận lợi.

Đồng thời, phân bổ ngân sách hợp lý; có cơ chế rõ ràng, đồng bộ thể hiện trong các văn bản pháp lý để triển khai hiệu quả phân cấp, phân quyền cho địa phương để địa phương được linh hoạt sử dụng kinh phí phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/thuc-hien-nghi-quyet-so-43-can-tiep-tuc-co-nhung-giai-phap-can-co-cot-loi-hon-102240525144328706.htm