Thực trạng sản phẩm phần cứng điện tử thương hiệu Việt
12:00, 17/12/2012
Một trong những đặc điểm cơ bản của ngành công nghiệp điện tử thế giới trong giai đoạn hiện nay là tính chuyên môn hóa và toàn cầu hóa: thay đổi cơ cấu sản xuất và phương thức sản xuất. Theo đó, các công ty, tập đoàn lớn đã không còn thực hiện từ A đến Z quá trình sản xuất mà chỉ tập trung vào một số khâu có giá trị gia tăng cao (R&D, tiếp thị, bán hàng,...), còn lại họ thuê các công ty khác dưới hình thức đấu thầu.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất điện tử Việt Nam hiện nay hiện chỉ dừng ở mức tham gia chuỗi giá trị trong công đoạn phân phối và các dịch vụ hậu mãi sản phẩm. Nhìn chung, các sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt chưa thực sự có được một vị trí vững ngoại trừ trong lĩnh vực điện thoại di động. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất còn nhỏ bé, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Một đặc điểm chung nữa là các doanh nghiệp này thường hoạt động rời rạc, thiếu định hướng và chưa có một chiến lược phát triển lâu dài, chủ yếu thực hiện đua nhau giảm giá trên cùng một cấu hình, chưa có chiến lược về sản phẩm. Dịch vụ cung cấp cho người sử dụng còn đơn giản. Hiện nay chỉ là dịch vụ bảo hành sau bán hàng, xử lý những vấn đề phát sinh sau bán hàng.
Những chính sách cần thiết nhằm phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp điện tử nói riêng và cũng như phát triển sản phẩm phần cứng điện tử đóng vai trò quan trọng. Đây sẽ là nền tảng giúp công nghiệp điện tử phát triển bền vững. Cụ thể những mảng đang thiết và phù hợp với điều kiện của Việt nam như việc: thiết kế chipset, sản xuất chipset, thiết kế logic trên nền CPLD & FPGA, thiết kế và sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng, công nghiệp và quân sự…
Tuy nhiên việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi phải có những chiến lược đầu tư đúng đắn và thời gian dài để gặt hái thành quả. Hiện tại ở Việt Nam đang có 15 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (Hà Nội: 4; TP.HCM: 11). Dự kiến đến năm 2013, Việt Nam sẽ có khoảng 22 công ty hoạt động ở lĩnh vực thiết kế vi mạch và cần khoảng gần 14 nghìn nhân sự. Do vậy rất cần Nhà nước thực hiện:
+ Tăng cường đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thiết kết chip, khẩn trương thiết lập các chính sách ưu đãi về kinh phí, cấp các nguồn học bổng, bảo đảm việc làm,… nhằm thu hút các sinh viên xuất sắc theo học ngành này;
+ Xây dựng chính sách ưu đãi thu hút Việt kiều, chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực về giảng dạy, đầu tư sản xuất;
+ Xây dựng quỹ phát triển nhân lực vi mạch dùng để cử lực lượng lớn sinh viên ưu tú ra nước ngoài học tập nhằm xây dựng lực lượng lòng cốt cho nền phát triển vi mạch nước nhà giống như trường hợp các nước Malaysia, Đài loan…
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển
Theo những phân tích về điểm yếu các doanh nghiệp sản xuất phần cứng điện tử Việt nam là thiếu nguồn vốn và năng lực trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, đây là hoạt động đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nếu doanh nghiệp thực hiện sẽ rất khó khăn. Nguồn lực hỗ trợ cho chính sách này cần được ưu tiên huy động từ các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ viễn thông công ích, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia,... nhằm tập trung thực hiện:
- Xây dựng các nhà máy sản xuất chip (fab house) cho công nghiệp sản xuất chipset
Các fab house này đòi hỏi cần sự đầu tư lớn, công nghệ cao,… như TSMC và UMC. Hiện Việt Nam chưa có những công ty nào có đủ lực để thực hiện mà mới manh nha dự án xây dựng fab house cho sản xuất chip thuộc dự án phát triển công nghiệp vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Xây dựng các trung tâm thiết kế và sản xuất một sản phẩm điện tử hoàn chỉnh
Do để làm ra một sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, chủ yếu cần các khâu thiết kế mạch (board level), Layout, viết chương trình cho MCU (Firmware), Logic Design, Software, cơ khí khuôn mẫu,… là trung tâm thực hiện việc thiết kế, sản xuất sản phẩm điện tử hỗ trợ cho các doanh nghiệp điện tử trong nước. Đặc biệt là các sản phẩm phần cứng điện tử thương hiệu Việt như: máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu thu kỹ thuật số, các chip phục vụ các lĩnh vực khác như giao thông (chip GPS), truyền thông (đầu thu kỹ thuật số, các sản phẩm điện tử phục vụ CNTT tương thích chuẩn IPv6), y tế, an ninh ...
- Xây dựng trung tâm mua bán bản quyền thiết kế điện tử
Các sản phẩm điện tử, tin học, viễn thông có vòng đời tương đối ngắn... Người sử dụng luôn đòi hỏi sản phẩm phải có thêm nhiều chức năng mới, hình dáng, mẫu mã đẹp hơn và thay đổi theo thị hiếu, mức thu nhập, điều kiện sống... Do đó, doanh nghiệp phải có sản phẩm mới để cung cấp, cũng như phải thường xuyên cải tiến sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức để nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường. Giai đoạn này được xem là giai đoạn thiết kế và nó cũng góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khả năng thiết kế còn ở trình độ thấp, các doanh nghiệp có thể mua, thuê bản quyền thiết kế của các doanh nghiệp tiên tiến hơn theo các hình thức chuyển giao công nghệ hoặc gia công. Để góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho sản phẩm, việc mua bản quyền thiết kế có lợi hơn thuê, nhất là khi doanh nghiệp có khả năng cải tiến thiết kế đó để mang lại bản sắc riêng có của doanh nghiệp. Việc mua lại các bản quyền thiết kế và phân phối lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu cũng là một cách hiệu quả tiết kiệm ngoại tệ và giảm giá thành cho công nghiệp điện tử nói chung và các sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt nói riêng.
Phát triển thị trường phần cứng, điện tử thương hiệu Việt
Trong giai đoạn ngắn hạn, chỗ đứng chính của sản phẩm CNTT thương hiệu Việt vẫn là các dự án mua sắm công của Chính phủ, tuy nhiên do chưa đa dạng về chủng loại thiết bị, tiêu chuẩn chất lượng còn thấp lại chưa hội nhập được về mặt công nghệ trong khi thị trường vẫn chưa được Chính phủ hỗ trợ nhiều bằng chính sách bảo hộ.
Ngoài ra đối với thị trường quốc tế, nhà nước cần dành ngân sách trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường quốc tế trong phạm vi lợi thế cạnh tranh của sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt đối với các nước Lào, Campuchia, Myanma và thị trường các nước Châu Phi…
.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân sử dụng hàng sản xuất trong nước và thực hiện công nhận sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt
Quyết định 50/2009/QĐ-TTg đã xác định đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt trong đó nhấn mạnh tới những sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, từng bước lựa chọn những sản phẩm có chất lượng để khuyến khích mua sắm.. Có thể nói nếu thực hiện đồng bộ, hiệu quả những chính sách trên một cách hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, nâng cao nhận thức người dân sử dụng hàng sản xuất trong nước song song với việc công nhận sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt sẽ là tiền đề hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử nói chung và các sản phẩm phần cứng, điện tử thương hiệu Việt nói riêng có thể phát triển trong giai đoạn tới.
Bộ TT &TT