Thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và hội nhập sâu rộng, nâng cao năng suất chất lượng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng trong top các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người và năng suất lao động, Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, cần có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng suất lao động của nước ta trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
1. Thực trạng năng suất lao động tại Việt Nam
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Năng suất không chỉ là thước đo hiệu quả mà còn là thước đo của sự tiến bộ. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện năng suất lao động. Cụ thể, theo báo cáo của Viện Năng suất Việt Nam (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam vào khoảng 5,29%/năm, năm 2019 đạt tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất với 6,28%.
Trong 3 năm từ 2020 đến 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm hơn so với giai đoạn trước, sở dĩ có sự giảm là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga-Ukraine khiến kinh tế toàn cầu giảm sút, điều này cũng làm cho các mặt hàng xuất khẩu có sự suy giảm.
Đến năm 2024, năng suất lao động đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhờ nỗ lực tập trung cải thiện năng suất. Từ các hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều cơ hội phát triển được mở ra, cùng với chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy chính sách khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt các ứng dụng chuyển đổi số đã thay đổi phương thức sản xuất đáng kể.
Về năng suất lao động của Việt Nam và một số nước Châu Á, trong thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng cao nhất trong các nước ASEAN. Giai đoạn 2016-2023, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam đạt 5,6%/năm, được ghi nhận là có tốc độ tăng năng suất trong nhóm nước dẫn đầu trong khu vực. Nỗ lực cải thiện năng suất đã giúp cho Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất, tạo cơ hội thu hẹp dần khoảng cách về mức năng suất so với các nước có nền kinh tế tiên tiến hơn.
2. Các yếu tố tác động đến năng suất trong kỷ nguyên số
Năng suất chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến như: môi trường kinh tế - xã hội - chính trị, cơ chế chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, tình hình thị trường, trình độ khoa học-công nghệ, hệ thống tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, mối quan hệ lao động - quản lý, khả năng về vốn, phát triển nguồn nhân lực,...
Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất có thể được chia thành hai nhóm chủ yếu: nhóm yếu tố bên ngoài, bao gồm môi trường kinh tế thế giới, tình hình thị trường, cơ chế chính sách kinh tế của nhà nước và nhóm yếu tố bên trong bao gồm nguồn lao động, vốn, công nghệ, tình hình và khả năng của tổ chức quản lý sản xuất.
Trong đó, lao động là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất tác động tới năng suất. Năng suất ở cả cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, năng lực của đội ngũ lao động. Nếu không có sự phối hợp phát triển tốt nguồn nhân lực thì các yếu tố vốn, công nghệ khó có thể phát huy được tác dụng. Có thể coi sự tăng trưởng năng suất là một quá trình phát triển nguồn nhân lực.
Việc đảm bảo vốn đầy đủ, kịp thời và sử dụng có hiệu quả sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất. (Ảnh minh họa)
Nguồn vốn: Theo nghĩa chung nhất, vốn được biểu hiện cả bằng các yếu tố công nghệ, thiết bị, máy móc, nguyên liệu. Việc đảm bảo vốn đầy đủ, kịp thời và sử dụng có hiệu quả vốn sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất.
Trình độ quản lý: Năng suất tối đa khi có sự phối hợp đầy đủ giữa quản lý, lao động và yếu tố công nghệ. Nói cách khác, cần tạo ra môi trường tốt nhất cho sự phối hợp giữa quản lý và lao động. Mối quan hệ đó tự bản thân là kết quả của việc nâng cao năng suất.
Trình độ và khả năng sản xuất của mỗi doanh nghiệp: Có tác động mạnh mẽ tới năng suất thông qua việc xác định phương hướng phát triển, phương án đầu tư, phương án lựa chọn công nghệ, cách thức tổ chức bố trí dây chuyền công nghệ hoá cùng với những phương án quy mô hợp lý cho phép khai thác tối đa lợi thế, giảm chi phí, nâng cao năng suất.
Cơ chế, chính sách kinh tế của Nhà nước: Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao năng suất. Các vấn đề môi trường, luật pháp, hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách phúc lợi xã hội, hệ thống hành chính, các phương pháp và hệ thống giáo dục đều là những nhân tố tác động đến năng suất. Khuôn khổ pháp lý và các chính sách kinh tế có tác động lớn đến việc giúp doanh nghiệp bảo đảm sự cân bằng thống nhất giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội.
3. Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam
Để nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam, cần chú trọng một số giải pháp sau:
- Cải cách thể chế: Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành.
- Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để có lực lượng lao động cạnh tranh trong tương lai. Trong kỷ nguyên số, mọi thứ diễn biến rất nhanh chóng nên giáo dục cũng phải thích ứng linh hoạt. Giáo dục lựa chọn, đào tạo sinh viên để họ sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Sứ mệnh của giáo dục là hướng đến tương lai nhằm xây dựng đội ngũ người lao động Việt Nam có đẳng cấp thế giới, có khả năng tạo ra những giá trị phát triển vượt bậc.
- Nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp vì điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... người lao động sẽ nâng cao năng suất lao động của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập. Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động.
- Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.