Thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3
Thuốc Vipdervir được thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương giai đoạn ba, trên 200 tình nguyện viên mắc Covid-19.
- Công bố quyết định thành lập 2 đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
- Pfizer thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 tại Nga
- Chuyên gia cảnh báo không nên quá tin tưởng vào loại thuốc mới điều trị COVID-19
- Thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer gần như loại bỏ hoàn toàn khả năng tử vong
- Anh phê duyệt thuốc điều trị Covid-19 của Merck
Thông tin được PGS.TS Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sáng 23/11 tại hội thảo "Xúc tiến thương mái hóa công nghệ hóa dược và thiết bị y tế của Viện hàn lâm".
Ông Huấn cho biết, ngày 22/11, nhóm nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược có tên Vipdervir đã chuyển thuốc đến Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba theo lịch trình thử nghiệm lâm sàng do Bộ Y tế đã phê duyệt. Về thời gian thử nghiệm, ông Huấn cho biết vẫn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu do khâu tuyển chọn tình nguyện viên khá phức tạp. Giai đoạn ba sẽ thử nghiệm trên 200 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.
Để tham gia thử nghiệm, bệnh nhân phải đạt rất nhiều tiêu chí như tình trạng mắc Covid-19 không quá nặng, không có một số loại bệnh nền, không sử dụng một số loại thuốc đặc thù...
Theo ông Huấn, thời gian qua, số bệnh nhân ở miền Bắc không nhiều. Chỉ những bệnh nhân nặng mới đưa về Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương."Bệnh nhân nặng lại không đủ điều kiện tham gia thử thuốc, nên việc tuyển tình nguyện viên thử nghiệm là một khâu khó khăn", ông cho biết.
"Sau khi pha hai kết thúc, nhóm nghiên cứu xác định được liều tối ưu dùng cho bệnh nhân nên chuyển sang pha ba để thử nghiệm. Ở lần thử nghiệm này sẽ không chia ra các nhóm bệnh nhân dùng các liều khác nhau mà sử dụng đồng nhất một liều giống nhau", PGS.TS Lê Quang Huấn nói.
PGS.TS Lê Quang Huấn tại hội thảo sáng 23/11 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 đã được Hội đồng Y đức Quốc gia cho thử nghiệm lâm sàng. Với việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, hy vọng trong một hai tháng tới sẽ có kết quả chính thức để được công nhận thành thuốc được lưu hành.
Trước đó, ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Thuốc thử nghiệm Vipdervir được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào, được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng.
Nhóm nghiên cứu của PSG.TS. Lê Quang Huấn đã sử dụng công nghệ tin sinh học để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các loại thảo dược của Việt Nam, có tác dụng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào tế bào chủ, ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào, kích hoạt các tế bào hệ miễn dịch của người bệnh. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Thuốc thử nghiệm Vipdervir đã được đánh giá độc tính cấp tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Đại học Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus cúm A/H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và khả năng tăng miễn dịch tại Đại học Y Hà Nội.
Tại sự kiện, PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự cũng công bố vừa nghiên cứu tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch từ thảo dược. Nhóm đã ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ nano để tạo sản phẩm hỗ trợ xơ vữa động mạch từ các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên. Sản phẩm có khả năng loại bỏ các mảng bám trong mạch máu và các tác nhân gây mảng bám mạch máu, sản phẩm đã được đánh giá trên mô hình động vật.
Trong hội thảo lần này có 9 sản phẩm công nghệ về y tế được giới thiệu đến doanh nghiệp nhằm kết nối hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Theo/vnexpress.net