Thương mại điện tử: Một góc nhìn ‘tối’

06:00, 25/05/2024

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã cách mạng hóa cách chúng ta mua sắm, mang đến sự tiện lợi, đa dạng và khả năng tiếp cận hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng của các cửa hàng trực tuyến còn ẩn chứa một mặt tối mà chúng ta cần phải quan tâm.

Trong khi TMĐT đã cố gắng biến thế giới thành một nơi nhỏ bé hơn, mang lại sự tiện lợi - giá trị cho người mua hàng và thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số kinh tế. bên cạnh đó, TMĐT cũng tạo ra một thế giới đen tối, nơi những kẻ hám lợi trước mắt có cơ hội bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế, mua bán chất cấm, trộm cắm thông tin cá nhân… chỉ bằng vài cú nhấp chuột.

Rủi ro về chất lượng hàng hoá và vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Một trong những thách thức đạo đức quan trọng nhất trong thương mại điện tử là sự gia tăng của các sản phẩm giả mạo. Những mặt hàng giả và nhái này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng mà còn làm tổn hại đến uy tín của các thương hiệu chính hãng.

Từ hàng xa xỉ đến đồ điện tử và dược phẩm, hàng giả gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Vẫn biết rằng mua sắm trực tuyến và các kênh mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích để trợ giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp đến khách hàng của mình. Tuy nhiên, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại là một trong những lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi số lượng đơn hàng được mua càng nhiều thì việc mua phải hàng giả hàng kém chất lượng cũng không phải là ít.

Vấn đề hàng giả, hàng nhái trên thị trường trực tuyến vốn diễn ra từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, tịch thu một lô gần 800 sản phẩm hàng mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đại diện nhãn hàng cho biết, có khoảng 150 trường hợp khiếu nại mỗi năm liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến. Việc lợi dụng không gian mạng để bán hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Mai Horiuchi - Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Daiichi Sankyo, Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi đã phải rất nỗ lực trong việc nghiên cứu phát triển ra những sản phẩm cho người tiêu dùng. Việc xuất hiện hàng giả ảnh hưởng rất lớn đến công sức của doanh nghiệp. Dược mỹ phẩm là hàng giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng".

Hiện trên hệ thống quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số ghi nhận khoảng 900 sàn giao dịch thương mại điện tử và khoảng 48.000 website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trực tiếp. Nhiều sàn thương mại điện tử tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào, nhưng vẫn để lọt lưới cho hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường. Chính vì thế, việc kiểm soát hình thức kinh doanh này cần phải được tăng cường và người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý kiểm tra tính hợp pháp của những gian hàng mình tham gia mua sắm.

Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến cũng làm giảm khả năng kiểm tra và thử nghiệm trực tiếp sản phẩm, đây là một trong những vấn đề chính gây khó khăn và lo ngại cho người tiêu dùng. Đối với những sản phẩm như thực phẩm hoặc dược phẩm, việc không thể kiểm tra trực tiếp trước khi mua có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chỉ có thể dựa vào thông tin mô tả và hình ảnh trên trang web để đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin này cũng đảm bảo chính xác và đáng tin cậy. Có thể có trường hợp sản phẩm không được mô tả đúng cách hoặc hình ảnh chỉ là "ảnh minh họa", dẫn đến việc nhận được sản phẩm không như mong đợi. Đặc biệt, vấn đề này thường xảy ra khi mua hàng từ các trang web không uy tín hoặc không rõ nguồn gốc.

Các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm đặc biệt cần được kiểm tra kỹ càng về nguồn gốc, hạn sử dụng, và chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi mua hàng online, việc này trở nên khó khăn hơn bởi sự thiếu thốn thông tin và quyền kiểm soát.

Để tránh những vấn đề này, người tiêu dùng nên lựa chọn những trang web uy tín, bảo đảm các mô tả sản phẩm chính xác và có chính sách đổi trả linh hoạt, cho phép người tiêu dùng kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm sau khi nhận hàng.

Ngoài ra, việc tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm trước khi mua hàng cũng là một yếu tố quan trọng. Người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng từ các nhà cung cấp đáng tin cậy và có thương hiệu đã được xác nhận.

Quảng cáo gian dối, xâm phạm quyền riêng tư

Trong thế giới thương mại điện tử đầy cạnh tranh, một số doanh nghiệp sử dụng các chiến thuật tiếp thị lừa đảo để giành lợi thế trước đối thủ. Từ quảng cáo sai sự thật đến mô tả sản phẩm gây hiểu lầm và đánh giá giả mạo, những hành vi phi đạo đức này làm xói mòn lòng tin và gây tổn hại đến danh tiếng thương hiệu.

Một Nghiên cứu mới của Trường Cao đẳng Kinh doanh Gies sử dụng lý thuyết trò chơi để phân tích cách các thị trường bán lẻ trực tuyến như Amazon cạnh tranh với nhau để tăng doanh thu, khiến người tiêu dùng khó xác định sản phẩm tốt nhất để mua.

Theo phó giáo sư tiếp thị tại Gies, ông Yunchuan Liu, cho biết: “Đáng ngạc nhiên là nghiên cứu cho thấy các nền tảng có thể chọn chấp nhận doanh số bán hàng giả và đánh giá giả mạo của người bán hoặc thậm chí đưa ra chứng thực giả để thao túng mức độ hấp dẫn của sản phẩm”. “Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng mà còn có thể làm giảm động cơ cải tiến sản phẩm của người bán”, ông Liu thông tin.

Nghiên cứu của Gies dù chỉ tập trung vào Amazon, nhưng nó có thể áp dụng cho các thị trường bán lẻ khác, cho thấy các nền tảng này sử dụng một số chiến thuật lôi kéo. Chẳng hạn Amazon có thể tính phí bảo hiểm cho người bán cho vị trí “Được tài trợ”, “Người bán chạy nhất” hoặc “Lựa chọn của Amazon” được xếp hạng cao nhất hoặc mua các khối đánh giá có lợi để làm cho một sản phẩm kém chất lượng trông hấp dẫn hơn. Taobao và Alibaba của Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc vì chiêu thức này, một kỹ thuật lừa đảo nhằm nâng cao xếp hạng của người bán bằng cách tạo các đơn đặt hàng giả được chuyển đến đồng phạm hoặc người tiêu dùng không nghi ngờ ở một quốc gia khác.

Ví dụ: người bán có thể tạo đơn đặt hàng giả có số theo dõi cho một sản phẩm đắt tiền. Thay vào đó, người tiêu dùng sẽ nhận được một mặt hàng rẻ tiền nhưng nền tảng sẽ hiển thị nó là một mặt hàng giảm giá. Điều này làm tăng khối lượng và thứ hạng của người bán. Vào năm 2020, một vụ lừa đảo như vậy bắt nguồn từ Trung Quốc được mệnh danh là “hạt giống khủng bố” vì nó liên quan đến việc gửi cho người tiêu dùng đi khắp thế giới những gói hàng được dán nhãn là đồ trang sức nhưng thực chất lại chứa hạt mù tạt, bắp cải và hạt dâm bụt.

Chuyên gia Yunchuan Liu, cho biết: “Những nền tảng này mang lại rất nhiều tiện lợi, nhưng chúng đang biến thành 'trục ma quỷ’. Người tiêu dùng không còn có thể dựa vào thứ tự xếp hạng, đánh giá và đề xuất để phản ánh mức độ phổ biến và chất lượng thực sự của sản phẩm”.

Tại Việt Nam, câu chuyện gian dối không chỉ là các hình ảnh minh hoạ hay thông tin đánh giá, vấn đề quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, bản chất của sản phẩm diễn ra tại nhiều cơ sở bán hàng trực tuyến, đặc biệt là các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Quảng cáo gian dối như trở thành vấn nạn mà chúng ta chưa thể giải quyết.

Khảo sát của PV Thương Trường mới đây, cho thấy rất nhiều cơ sở bán lẻ trực tuyến đang cố tình quảng cáo sai về công dụng, bản chất sản phẩm. Trong đó, có rất nhiều cơ sở bán lẻ các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đơn cử như tại một số trang web như Siêu thị Sakura (https://sieuthisakura.com/), Donkihote Shop (https://hangnhapngoai.com.vn/), hay trang web https://myphamdactri.com/ thuộc Công ty TNHH Mỹ phẩm Nhân Xinh…

Các cơ sở này không chỉ vô tư “vẽ” công dụng các sản phẩm mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm là thuốc, mà thậm chí quảng cáo sai về bản chất của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Trong đó, đáng chú ý là việc thổi phồng công dụng của sản phẩm viên uống Fucoidan Nano Premium như phản ánh của người tiêu dùng.

Với sản phẩm viên uống Fucoidan Nano Premium, theo lời giới thiệu tại trang web https://hangnhapngoai.com.vn/, thì viên uống này được quảng cáo là “thuốc”. Cụ thể, trang web này đang quảng cáo và bày bán “viên uống điều trị ung thư Fucoidan Nano Premium Yo Group (130 viên)”. Thế nhưng thực tế đây chỉ là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc theo như giới thiệu của cơ sở này.

Bằng các chiêu trò quảng cáo như vậy, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng đang gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn khi người tiêu dùng có bệnh và cần chữa trị kịp thời thì việc mua phải sản phẩm vốn không phải là thuốc dễ dẫn đến ảnh hưởng tới sức khoẻ, nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều cơ sở vi phạm, song tình trạng này vẫn diễn ra trên thị trường, khiến cho câu chuyện “tiền mất tật mang” của người tiêu dùng ngày càng ám ảnh.

Không chỉ vậy, trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu cũng trở thành một mặt hàng có giá trị, vì vậy các công ty thương mại điện tử thường thu thập lượng lớn thông tin cá nhân từ khách hàng của họ. Đây là một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu việc sử dụng sai hoặc xử lý sai dữ liệu này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt đạo đức, bao gồm vi phạm quyền riêng tư và đánh cắp dữ liệu thông tin cá nhân.

Lượng rác thải khổng lồ

Mua hàng online đòi hỏi quy trình giao vận và đóng gói sản phẩm, dẫn đến việc tạo ra lượng khí thải và chất thải rắn đáng kể. Việc vận chuyển hàng hóa từ các nhà cung cấp đến tận tay người tiêu dùng gây ra lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, bao gồm xe ô tô, xe tải, máy bay và tàu biển. Đặc biệt, việc áp dụng giao hàng nhanh với tiêu chuẩn "Next-day delivery" hoặc "Express delivery" tạo ra áp lực lớn đến các dịch vụ giao hàng, đồng thời tăng thêm sự tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, góp phần làm gia tăng lượng khí thải và ô nhiễm không khí.

Những vấn đề liên quan đến đóng gói cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường. Việc đóng gói hàng hóa để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và giao hàng thường dựa vào sử dụng các chất liệu như hộp carton, túi nhựa, bong bóng khí, và mút xốp. Các chất liệu này đều có tác động tiêu cực đến môi trường khi chúng không được tái chế hoặc xử lý đúng cách. Đồng thời, việc sử dụng quá nhiều vật liệu đóng gói cũng là nguyên nhân gây ra lãng phí tài nguyên và tăng thêm khối lượng chất thải rắn.

Tại hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử của VECOM, cho biết theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở Hàn Quốc, rác thải do thương mại điện tử thải ra môi trường gấp 4,8 lần rác thải truyền thống. Còn tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với mua sắm truyền thống. Trong khi đó tại Trung Quốc, năm 2020 sử dụng trên 70 tỷ kiện hàng giao dịch thương mại điện tử, trong đó đã sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, trong đó gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.

Tại Việt Nam, năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hoá, riêng khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 nghìn tấn. Trong đó, hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.

Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa..., các chất thải này sẽ tác động đáng kể đến môi trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận, số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử mua bán hàng online phải tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.

Ông Tuấn phân tích, đa số nghĩ rằng thương mại điện tử là ngồi ở nhà gọi điện, truy cập mạng thì lượng rác thải ít hơn mua truyền thống. Nhưng suy nghĩ này đã nhầm, bởi chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.

Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hoá đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hoá thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp.

Để giảm tác động ảnh hưởng của TMĐT đối với môi trường, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để gia tăng doanh số bán hàng, đặc biệt là hàng xuất khẩu doanh nghiệp cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng.

Khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/thuong-mai-dien-tu-mot-goc-nhin-toi-121719.html