Thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ cần sự bắt tay của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp
Để các sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm sở hữu trí tuệ không bị lãng phí và dễ dàng đi vào thương mại hóa, sự kết nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt.
Ngày 18/12, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược, công nghệ sinh học Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Lê Huy Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN, cho biết các nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực y dược rất ít quan tâm tới hoạt động sáng chế tạo ra sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cộng đồng. Người nộp đơn sáng chế y dược chủ yếu là người nước ngoài, người Việt rất ít.
Theo ông Lê Huy Anh, những năm gần đây tình hình nộp đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam có những tiến triển đáng kể. Trong giai đoạn 2005 - 2023, Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 18.500 đơn đăng ký sáng chế, trong đó đơn sáng chế lĩnh vực y dược chiếm tỷ lệ 17,7%.
Nhưng riêng năm 2023, tổng số đơn sáng chế được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ là 10.294. Trong đó tổng đơn trong lĩnh vực y dược là 1.446 (chiếm tỷ lệ 14%) Như vậy, tỷ lệ đơn sáng chế y dược có xu hướng giảm (dù con số cụ thể tăng).
Điều đáng nói, đơn sáng chế y dược chủ yếu là của người nước ngoài. Giai đoạn 2005 - 2023, tỷ lệ người nước ngoài nộp đơn sáng chế y dược chiếm hơn 89% trong tổng số đơn sáng chế dược, người Việt Nam có đơn sáng chế y dược chỉ 10,6%.
Riêng năm 2023, tỷ lệ đơn sáng chế y dược của người Việt Nam đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2005 - 2023, là 18,3% (265/1.446 đơn).
"Lượng đơn sáng chế nói chung và trong lĩnh vực y dược nói riêng của người nộp đơn Việt Nam hàng năm đều tăng nhưng vẫn ở mức thấp, đặc biệt khi so sánh với đơn sáng chế được nộp bởi người nộp đơn nước ngoài. Ngoài ra, tỷ lệ được cấp bằng bảo hộ cho đơn sáng chế trong lĩnh vực y dược của người nộp đơn Việt Nam cũng không cao (27,7% trong giai đoạn 2005 - 2023), điều này cho thấy chất lượng giải pháp đăng ký còn hạn chế", ông Lê Huy Anh nói.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm sở hữu trí tuệ không hề đơn giản và nếu không được đưa vào thực tế thì những nghiên cứu này vô cùng lãng phí.
Ông Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, để tận dụng tối đa những cơ hội về của ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại các sáng chế là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu rất cần sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp để những sản phẩm này có thể đi vào đời sống và phát huy hiệu quả cao nhất.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp là rất quan trọng. Thông qua các sáng chế trong nước, chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ sản xuất đến nhân lực. Đặc biệt, người bệnh, cơ sở y tế được tiếp cận với những sáng chế nhanh hơn, hiệu quả hơn và chi phí hợp lý hơn.
PGS.TS Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, hiện nay, song hành với quá trình đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội cũng tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, so với những nỗ lực trong lĩnh vực đào tạo thì công tác nghiên cứu sáng chế của Nhà trường vẫn còn khiêm tốn.
Nhận thức được nhu cầu quan trọng này trong bối cảnh hiện nay và với sứ mệnh nghiên cứu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, PGS.TS Kim Bảo Giang cho rằng, Nhà trường cần phải đầu tư nhiều hơn đối với công tác đổi sáng tạo cũng như phát triển các sáng chế trong nghiên cứu y học, để thúc đẩy tốt hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo và chăm sóc sức khoẻ người dân.