Gian nan trong kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Nhiều container hàng hóa xuất nhập khẩu giả nhãn hiệu nổi tiếng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã bị lực lượng Hải quan ngăn chặn kịp thời tại các cửa khẩu trong thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình đấu tranh, ngành Hải quan còn gặp một số khó khăn.
Ông Vũ Hoài Linh - Phó Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT (Đội 4) - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Mặc dù Đội 4 đã phối hợp hiệu quả với các đơn vị hải quan các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh… phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến SHTT trong thời gian gần đây nhưng tình trạng xâm phạm quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn rất phức tạp.
“Kể từ khi COVID-19 bùng phát kết hợp với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ số, người tiêu dùng Việt Nam thói quen mua hàng online dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam có biên giới đường bộ trải dài 4.510 km giáp ranh với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; bờ biển Việt Nam dài 3.260 km từ Bắc vào Nam. Các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đã triệt để lợi dụng những đặc điểm này để buôn bán, vận chuyển hàng hoá giả mạo về SHTT”, ông Vũ Hoài Linh cho biết.
Theo đó, các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về SHTT là hàng hóa tiêu dùng (hàng thời trang, đồ gia dụng); hàng điện máy, linh kiện điện tử, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu các loại... Các mặt hàng trên phổ biến có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...
Trong quá trình đấu tranh với hoạt động xâm phạm quyền SHTT, lực lượng Hải quan phải đối mặt với nhiều khó khăn như về đặc điểm vị trí địa lý, địa hình biên giới của Việt Nam; sự phát triển bùng nổ của sàn thương mại điện tử khiến các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT bùng phát, thông qua nhiều con đường (đường xuất nhập khẩu chính ngạch; đường thẩm lậu qua biên giới - đường mòn lối mở; qua chuyển phát nhanh, bưu chính…) để đưa hàng giả vào Việt Nam.
“Việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên sàn thương mại điện tử ngay cả một số nước phát triển có hệ thống máy móc, thiết bị kiểm tra tiên tiến, hiện đại cũng gặp khó khăn. Ở Việt Nam, tuy đã được Nhà nước đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế về máy móc, thiết bị kiểm tra, chưa kể đến các quy định của pháp luật đối với việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử vẫn đang từng bước được bổ sung hoàn thiện”, ông Vũ Hoài Linh cho biết.
Đối với đường xuất nhập khẩu chính ngạch, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, lợi dụng chính sách thông thoáng các đối tượng khai sang tên hàng khác hoặc không khai báo, trà trộn hàng xâm phạm quyền SHTT lẫn với hàng hóa nhập khẩu có khai báo để che giấu, né tránh trong trường hợp lô hàng kiểm tra theo tỷ lệ 10%, 15%… hoặc nhập khẩu hàng là linh kiện, các bộ phận tháo rời không có nhãn hiệu, sau đó về lắp ráp, in nhãn giả ở Việt Nam dán lên sản phẩm…
Về cơ bản các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp là chủ thể quyền, đại diện chủ thể quyền đã phối hợp tốt và có hiệu quả với cơ quan Hải quan trong việc giám định, xác định hàng hoá là thật hay giả mạo,… Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ thể quyền đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam nhưng không có đơn vị làm đại diện dẫn tới khó khăn trong công tác liên lạc, trao đổi thông tin về sản phẩm được bảo hộ.
“Hai bên cần phải thường xuyên liên tục trao đổi thông tin về nhận diện hàng thật, hàng giả, thông tin về các sản phẩm mới, thông tin về các doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, … Khi có thông tin xác minh từ cơ quan Hải quan, cần được phản hồi nhanh chóng, kịp thời”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đề xuất.