Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ lớp 6, phụ huynh cần lưu ý gì?
Dự kiến tuần tới sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trên toàn quốc. Về cách thức triển khai, vaccine sẽ được tiêm cho nhóm trẻ học lớp 6 sau đó hạ dần độ tuổi.
- Quảng Ninh: Triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ lớp 6
- Dự kiến 9/4, lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam
- Ba Vaccine COVID-19 'made in Vietnam' đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ
- Khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II năm 2022
- UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch về triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
- Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Bao nhiêu trẻ sẽ được tiêm vaccine đợt này?
Trả lời câu hỏi có bao nhiêu trẻ em sẽ được tiêm vaccine Covid-19 theo kế hoạch trong quý II/2022, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, qua tổng hợp từ các tỉnh thành, có 11,8 triệu trẻ trong nhóm 5 – 11 tuổi.
Tuy nhiên, ước tính đến thời điểm này có 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 (ước tính cho tới tháng 4 và tháng 5). Như vậy, đến quý II, Bộ Y tế ước tính sẽ tiêm đủ cho 8,2 triệu trẻ chưa mắc.
Với những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng đã mắc Covid-19, sẽ trì hoãn tiêm chủng sau 3 tháng. Như vậy với khoảng 3,6 triệu trẻ này sẽ tiêm vào tháng 7, tháng 8.
Đáng chú ý, GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ, qua khảo sát, còn khoảng 30% phụ huynh do dự cho con tiêm vaccine Covid-19. Ông Lân mong muốn, các phụ huynh sẽ tìm hiểu và nhận thấy được ý nghĩa quan trọng của việc tiêm vaccine để đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng.
Đại diện các đơn vị của Bộ Y tế thông tin tại buổi họp báo.
Phản ứng thường gặp sau tiêm là gì, phụ huynh cần lưu ý gì?
PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin, phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ 5-11 tuổi thường gặp là đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh... Các phản ứng này xuất hiện ở liều thứ hai nhiều hơn liều thứ nhất, chiếm trên 10 – 50%.
Tỷ lệ phản ứng chiếm khoảng dưới 10% thường là buồn nôn, sưng chỗ tiêm, ít hơn nữa là ngứa, suy nhược... Các trường hợp hiếm gặp hơn, tỷ lệ 1/10.000 hay 1/1.000.000... là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.
Theo ghi nhận phản ứng ở nhóm trẻ nhỏ tại một số quốc gia cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất, tỷ lệ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim thấp hơn nhóm 12 – 18 tuổi.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hướng dẫn cán bộ tiêm chủng không dựa vào tỷ lệ này mà luôn cảnh giác trong quá trình tiêm, theo dõi sau tiêm để tránh rủi ro”.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các phụ huynh phải theo dõi sức khỏe của cháu những ngày trước đó, xem có các biểu hiện bất thường, viêm đường hô hấp hay không.
“Chúng ta có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau nên tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng Covid-19” – bà Hồng nói.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin thêm tại buổi họp báo, sau khi tiêm, cần theo dõi trẻ trong vòng 3 ngày, để ý sự thay đổi của trẻ qua niêm mạc mắt, màu sắc da, có nổi ban hay không. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp với nhau để theo dõi trẻ.
Đặc biệt, cần tránh trẻ trong thời gian này không vận động, hoạt động thể lực mạnh bởi có thể gây nhầm lẫn, bỏ sót các biểu hiện sau tiêm.
PV (T/h)