Tiền mã hóa – Những xu hướng mới năm 2020

15:47, 08/02/2020

Cuối năm 2019, lịch sử của tiền mã hóa bước sang trang mới với sự kỷ niệm 11 năm xuất hiện của Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên và có giá trị thị trường cao nhất hiện nay. Cùng với đó là những bước tiến cũng như xu hướng mới khiến thị trường này ngày càng đa dạng và hấp dẫn.

Phát triển vượt bậc

Vào ngày 31.10 của 11 năm trước, Satoshi Nakamoto đã xuất bản Whitepaper của Bitcoin, giới thiệu đến thế giới công nghệ mang tính cách mạng - blockchain và tiền mã hóa. Ngày nay, blockchain cùng với các điểm vượt trội về tính minh bạch, bảo mật và phi tập trung đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp như: tài chính, chuỗi cung ứng, y tế, bán lẻ, bất động sản... Song song đó, thị trường tiền mã hóa cũng đã phát triển vượt bậc. Theo số liệu từ Coin Rivet, hiện có khoảng 2.957 loại tiền mã hóa đang được giao dịch với tổng vốn hóa thị trường vào khoảng 221 tỉ USD (tính đến tháng 10.2019). Trong số đó, 10 loại tiền mã hóa hàng đầu là Bitcoin, Ethereum, XRP, Tether, Bitcoin Cash, Litecoin, EOS, Binance Coin, Bitcoin SV và Stellar đang chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường. Tính trên phương diện toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng tiền mã hóa trên nhiều lĩnh vực. Gần đây nhất, nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất Hoa Kỳ, Simon Malls, sẽ đưa máy rút tiền mã hóa tự động (ATM Bitcoin) vào sử dụng tại một số trung tâm thương mại tại các tiểu bang California, Florida và Georgia, nhằm giúp cho việc mua sắm và thanh toán bằng tiền mã hóa ngày càng trở nên dễ dàng hơn tại Mỹ.

Tại châu Á, khu vực có chỉ số sử dụng tiền mã hóa đứng đầu thế giới, Quốc hội Hàn Quốc đang xây dựng cơ sở pháp lý cho tiền mã hóa tại nước này. Dự luật này nhận định tiền ảo là tài sản kỹ thuật số và sẽ mang lại sự rõ ràng và minh bạch về quy định cho thị trường tiền mã hóa ở Hàn Quốc. Theo báo cáo, dự luật đã được Ủy ban Chính sách Quốc gia của Quốc hội thông qua, chỉ còn chờ Ủy ban Tư pháp phê chuẩn và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020 sau khi được phê duyệt.

Cuối tháng 11.2019, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) có thể sẽ sớm cho phép những công cụ phái sinh dựa trên tiền mã hóa được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch được chấp thuận tại đảo quốc này theo Đạo luật Chứng khoán và Tương lai (SFA). Đề xuất này được đưa ra nhằm đáp lại nhu cầu từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Bitcoin (BTC) và Ether (ETH) đang được xem xét để phân loại là tài sản cơ bản cho một sản phẩm phái sinh dưới sự giám sát của SFA.

Ba xu hướng chính

Có thể nói, những động thái liên quan đến tiền mã hóa từ các quốc gia trên đã làm nóng thị trường và khiến chúng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo nhận định từ các chuyên gia tại Infinito (công ty phát triển ví mã hóa cho người dùng cùng nền tảng lập trình phi tập trung cho các nhà phát triển ứng dụng) có 3 xu hướng chính sẽ chiếm thế chủ đạo trong thị trường tiền mã hóa trong năm 2020:

1.DeFi - Tài chính phi tập trung (Decentralized Finance)

DeFi là tên viết tắt của Decentralized Finance (Tài chính phi tập trung), là cụm từ dùng để nói đến các sản phẩm hay dịch vụ tài chính được phát triển dựa trên công nghệ blockchain. Các sản phẩm và dịch vụ này được thừa hưởng các điểm mạnh từ công nghệ blockchain như tính minh bạch, khả năng loại bỏ vai trò của bên thứ ba, độ an toàn và bảo mật cao để tạo nên một nền tài chính mở. Trong đó, mọi người đều có thể truy cập và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ DeFi mọi lúc, mọi nơi mà không phải chịu sự chi phối bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào. Công nghệ blockchain đã trang bị cho những sản phẩm và dịch vụ này 4 ưu điểm vượt trội so với hệ thống tài chính truyền thống là: dễ dàng truy cập và sử dụng thông qua mạng Internet; loại bỏ vai trò của ngân hàng bao gồm các chi phí liên quan; rút ngắn thời gian giao dịch đặc biệt là đối với các giao dịch xuyên biên giới; giao thức xác minh danh tính giúp tăng tính an toàn.

Lấy ví dụ đơn giản, với công nghệ tài chính phi tập trung, một người ở Việt Nam có thể dễ dàng vay tiền từ các dịch vụ tài chính tại Mỹ để đầu tư vào một doanh nghiệp ở Colombia và thu lợi nhuận – tất cả chỉ trong duy nhất một ứng dụng. Khả năng này sẽ mở ra cho người dùng tiền mã hóa trên toàn thế giới nhiều cơ hội phát triển về mặt tài chính.

DeFi có thể được coi là tương lai của tài chính thế giới, là tiền đề để con người bước vào nền tài chính mở. Hiện tại, các “ông lớn” trong thị trường tiền mã hóa thế giới đã sớm đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi tập trung. Ví dụ điển hình là Coinbase - Ví mã hóa hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ với danh mục đầu tư vào DeFi bao gồm: nền tảng cho vay phi tập trung, stablecoin, dự án phái sinh phi tập trung, blockchain protocol…; hay Binance, Huobi - những tên tuổi lừng lẫy trong mảng sàn tiền mã hóa đã ra mắt sàn giao dịch phi tập trung đầu năm 2019.

Trong xu hướng đó, để trở thành sản phẩm DeFi hàng đầu phục vụ cộng đồng người dùng tiền mã hóa, đội ngũ Infinito đang làm việc hết mình để tích hợp thêm nhiều tính năng, ứng dụng và dịch vụ DeFi vượt trội. Hiện nay trình duyệt DApp Infinito App Square là kho ứng dụng cho phép người dùng tìm kiếm và sử dụng nhiều dịch vụ DeFi nổi tiếng bao gồm sàn giao dịch phi tập trung, dịch vụ cho vay tiền mã hóa, staking nhận lãi suất và nhiều dịch vụ tài chính khác. Gần đây, Infinito cũng đã phát triển tính năng chuyển đổi tiền mã hóa, theo dõi tỷ giá của các cặp trading phổ biến và biến động thị trường trong vòng 24 giờ ngay bên trong ví Infinito Wallet một cách an toàn và tiện lợi.

2. Ưu thế của Stake

Bắt đầu từ năm 2018, giới đầu tư tiền mã hóa bắt đầu làm quen với hình thức đầu tư mới mang tên Stake. Kể từ đó, hình thức này đã được nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa lựa chọn nhờ vào các ưu điểm như: khả năng đảm bảo nguồn lợi nhuận ổn định trong bối cảnh đầy biến động của thị trường tiền mã hóa; mang lại cho người dùng quyền kiểm soát trên chính nền tảng blockchain mà họ chọn lựa; khuyến khích người dùng tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của blockchain này.

Vậy Stake là gì? Theo Binance Academy, Stake là hành động gửi tiền mã hóa vào một quỹ chung để được nhận lãi suất (tương tự như hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng), phần thưởng và giữ quyền quyết định sự phát triển của chính blockchain đó (ví dụ như bình chọn ra các Block Validator/Block Producer - những người xác nhận khối). Staking ngày càng thể hiện là một xu hướng được nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển blockchain lựa chọn. Một số blockchain tiêu biểu đang áp dụng cơ chế Stake với lãi suất hấp dẫn thu hút người dùng có thể kể đến như EOS, Ontology, TRON, COSMOS, IOST và TomoChain.

Nhờ các ưu điểm trên, hiện tại, đã có rất nhiều dự án áp dụng cơ chế Stake token cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, với hình thức Stake này, người dùng sẽ không tham gia vào quá trình bình chọn hay trở thành Block Validator và cũng sẽ không tạo ra ảnh hưởng nào cho mạng lưới blockchain. Nói một cách đơn giản, người dùng chỉ cần gửi tiền mã hóa của dự án vào một quỹ chung để được nhận thưởng và lãi suất tương tự như hình thức gửi tiết kiệm ở các ngân hàng truyền thống. Dự án Infinito và token INFT là một ví dụ điển hình cho hình thức Stake trên.

3. Cải thiện trải nghiệm người dùng

Tiền mã hóa được ra đời nhằm khắc phục các khuyết điểm của mô hình thanh toán truyền thống như loại bỏ phí tổn cho ngân hàng và tốc độ thanh toán chậm, đặc biệt là với các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, tiền mã hóa vẫn chưa thể thay thế vị trí của tiền pháp định trong mắt của người dùng đại chúng do những trải nghiệm rắc rối, phức tạp mà các sản phẩm ứng dụng công nghệ này đang mang lại cho người dùng. Vấn đề này đang là rào cản ngăn cách người dùng và công nghệ blockchain và cũng chính là mục tiêu hàng đầu mà các nhà sáng tạo theo đuổi công nghệ này cần phải giải quyết

Từ lâu, một vài blockchain đã bắt đầu đưa ra các giải pháp cho bài toán này. Điển hình như nền tảng EOS cho phép người dùng sử dụng một tài khoản tùy chọn để dễ dàng giao dịch. Tuy nhiên, để tạo được tài khoản EOS, người dùng cần phải trả phí bằng chính đồng EOS từ một tài khoản đang có sẵn. Yêu cầu phi hợp lý này là một trở ngại to lớn đối với những người dùng mới đang cần tạo tài khoản để bắt đầu hành trình của mình. Ngoài ra, tài khoản EOS cũng chỉ có thể được sử dụng trên blockchain EOS và vì thế, người dùng vẫn cần phải sử dụng các địa chỉ blockchain phức tạp của các nền tảng khác.

Chia sẻ cùng nhiệm vụ trên, FIO (Foundation for Interwallet Operability - Tạm dịch: Nền tảng cho hoạt động Interwallet) đã ra đời nhằm mục tiêu tăng tính tương tác cho các blockchain và tạo ra trải nghiệm tiện lợi hơn cho người dùng tiền mã hóa. FIO cho phép người dùng thay thế địa chỉ blockchain rắc rối của họ bằng một địa chỉ username tùy chọn và dễ ghi nhớ hơn bao gồm tên người dùng và tên domain. Username này có thể được sử dụng cho nhiều ví, sàn giao dịch và dịch vụ thanh toán có hỗ trợ giao thức FIO. Với FIO, giao dịch và thanh toán bằng tiền mã hóa sẽ được đơn giản hóa, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, tương tự với các dịch vụ thanh toán truyền thống như Paypal.

 Như Mai tổng hợp