TP. HCM công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2022

15:17, 11/05/2023

Sáng 11/5, UBND TP. HCM tổ chức Hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của thành phố năm 2022; triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đào Minh Chánh triển khai kế hoạch khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của thành phố. 

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm Tư vấn DDCI, công ty cổ phần Viet Analytics, nhận định mục đích đánh chỉ số này để cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện.

Qua đó, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, cấp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Ông Tuấn cũng công bố bảng xếp hạng chỉ số DDCI của khối sở, ban, ngành và khối địa phương năm 2022.

Đối với khối sở, ban, ngành, Sở KH&CN đứng đầu với 84,20 điểm. Kế đến lần lượt là BQL các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Sở Công thương, Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, BQL An toàn thực phẩm, Sở KH&ĐT, Sở TT&TT, BQL Khu Công nghệ cao, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, Sở GT-VT, Sở TN&MT.

Đứng ở vị trí cuối cùng bảng xếp hạng là Sở LĐ-TB&XH với 51,75 điểm.

Bảng xếp hạng DDCI của khối sở, ban, ngành năm 2022 của TP. HCM.

Bộ chỉ số DDCI của khối sở, ban ngành được đánh giá qua 9 chỉ số thành phần. Trong đó, Sở KH&CN đứng đầu về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, chi phí thời gian. Sở VH&TT đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Sở Tư pháp đứng đầu về cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý. BQL các Khu chế xuất - Khu công nghiệp đứng đầu về hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động sáng tạo và hiệu quả, vai trò người đứng đầu.

Với khối địa phương, quận Phú Nhuận đứng đầu với 78,56 điểm. Tiếp theo lần lượt là quận 11, quận 10, quận Tân Phú, quận 3, quận 4, quận 6, quận Tân Bình, quận 5, huyện Cần Giờ, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, quận Bình Tân, quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn, quận 8, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

Đứng ở vị trí cuối cùng bảng xếp hạng là TP Thủ Đức với 49,69 điểm, là địa phương duy nhất của TP có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100.

Bảng xếp hạng DDCI của khối địa phương năm 2022 của TP.HCM.

Bộ chỉ số DDCI của khối địa phương được đánh giá qua 10 chỉ số thành phần. Trong đó, quận Phú Nhuận đứng đầu về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian.

Quận Tân Phú đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, vai trò người đứng đầu.

Quận 3 đứng đầu về chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Quận 11 đứng đầu về cạnh tranh bình đẳng. Huyện Cần Giờ đứng đầu về hỗ trợ doanh nghiệp. Quận 4 đứng đầu về tính năng động sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương.

Khối cơ quan ngành dọc gồm Cục Hải quan, Cục thuế, BHXH TP, Ngân hàng nhà nước, Công an TP.HCM không xếp hạng.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Huỳnh Thanh Nhân đã triển khai công tác thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)năm 2023 của thành phố; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đào Minh Chánh triển khai kế hoạch khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của thành phố.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và từng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải quán triệt sâu sắc, hết sức tập trung và quyết liệt thực hiện để cải thiện, nâng cao các chỉ số của DDCI, PAPI, PAR Index và PCI; quyết tâm đến cuối năm nay phải đạt được những kết quả và tạo ra được chuyển biến thật sự tích cực.

Trong đó, các sở, ban, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng và sớm triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao các chỉ số của DDCI, PAPI, PAR Index và PCI bằng những cách làm khoa học hơn, tinh thần vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Khôi Nguyên (T/h)

TIN LIÊN QUAN