Trải nghiệm nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam qua ứng dụng i-Museum VFA
Mới đây, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón các đại sứ và đại diện của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tìm hiểu về tranh sơn mài Việt Nam. Điều đặc biệt là các vị khách được trải nghiệm ứng dụng thuyết minh tự động thông minh i-Museum trên điện thoại di động, có thể nghe âm thanh và xem những clip sống động về hiện vật.
Chương trình trải nghiệm nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam qua ứng dụng i-Museum VFA tạo nên sự thú vị đối với khách tham quan.
Chương trình trải nghiệm nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam qua ứng dụng i-Museum VFA đã tạo nhiều hứng khởi cho các đại biểu và khách tham quan. Ứng dụng kết nối với tai nghe hoặc nghe trực tiếp bằng điện thoại, giúp các đại biểu biết được quy trình làm tranh sơn mài thông qua những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất hiện nay của Việt Nam. Công nghệ đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động quảng bá tranh sơn mài một đặc trưng của nền mỹ thuật Việt Nam cũng như kết nối văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Ông Jaya Ratnam - Đại sứ Singapore tại Việt Nam cho biết: "Điều tôi ấn tượng trong buổi trải nghiệm này, đó có lẽ là phong cách nghệ thuật, kỹ thuật làm ra một tác phẩm và lịch sử ra đời của tranh sơn mài Việt Nam. Tôi ngưỡng mộ cách bảo tàng bảo quản và gìn giữ tranh sơn mài, cách đưa các tác phẩm đến gần hơn với công chúng qua công nghệ thời 4.0".
Sau khi cài ứng dụng i-Museum VFA trên điện thoại, chỉ cần quét mã QR, khách tham quan có thể tự trải nghiệm, tự khám phá nhiều thông tin thú vị về hiện vật. Rất nhiều khách tham quan thấy rằng, đi bảo tàng giờ không còn nhàm chán, không còn phụ thuộc vào hướng dẫn viên.
"Điều đặc biệt là ứng dụng có thêm nhiều tính năng mới, như có tới 8 ngôn ngữ khác nhau để tiếp cận gần nhất với khách du lịch ở nhiều quốc gia" - anh Nguyễn Tiến Hòa (Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.,
Chị Emily Harney, du khách Hà Lan, cho biết: "Tôi chọn xem tour chủ đề bảo vật quốc gia. Ứng dụng có tốc độ rất nhanh nên việc trải nghiệm hình ảnh video và âm thanh không bị đứt quãng, rất mượt mà".
Ứng dụng trên điện thoại còn tích hợp tính năng định vị, chỉ dấu, giúp khách tham quan có thể nhanh chóng tìm đến các hiện vật có gắn mã QR. Với 2.000 hiện vật, hiện mới chỉ có 150 hiện vật được gắn mã QR để khách tham quan có thể trải nghiệm bằng công nghệ i-Museum.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết: "Có 5 chủ đề khác nhau để mỗi đoàn khách du lịch lựa chọn như: bảo vật quốc gia, tranh sơn mài, tranh lụa, nông thôn Việt Nam, truyền thống hiếu học".
Việc kết hợp với các đơn vị lữ hành, tham quan theo chủ đề sẽ là hướng đi mới thời gian tới của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Thuỳ Chi (T/h)