Trạm vũ trụ Trung Quốc đến 'điểm hẹn' quỹ đạo
Module lõi của trạm vũ trụ Thiên Hà đã hoàn thành các bài kiểm tra quỹ đạo và sẵn sàng ghép nối với tàu chở hàng Thiên Châu 2.
Mô phỏng trạm vũ trụ Thiên Hà sau khi hoàn thành. Ảnh: Xia Yuan.
Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) hôm 18/5 cho biết phần đầu tiên của dự án trạm vũ trụ Thiên Hà đã đi vào quỹ đạo thành công như dự tính. Module đã hoàn thành các bài kiểm tra hiệu suất và chức năng, bao gồm hệ thống hỗ trợ sự sống cho các phi hành gia, cánh tay robot cùng một loạt thiết bị ứng dụng không gian.
"Tất cả đều hoạt động bình thường và trong tình trạng tốt", CMSA nhấn mạnh. Module đã sẵn sàng để ghép nối với tàu chở hàng Thiên Châu 2, dự kiến được phóng lên ngay trong tuần này bằng tên lửa Trường Chinh-7 Y3 từ Trung tâm Vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.
Tàu Thiên Châu 2 sẽ chuyển thuốc phóng tới module lõi của trạm vũ trụ Thiên Hà để duy trì quỹ đạo của nó, đồng thời cung cấp hàng hóa và trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ các sứ mệnh trong tương lai của phi hành đoàn. Theo CMSA, nó sẽ chở tổng cộng 4,69 tấn hàng hóa và 1,95 tấn thuốc phóng.
Tàu chở hàng Thiên Châu 2 được đưa vào bệ phóng hôm 16/5. Ảnh: CMSA.
Không lâu sau đó, ba phi hành gia sẽ được đưa lên trạm trong sứ mệnh Thần Châu-12 kéo dài ba tháng vào tháng 6. Nhiệm vụ sẽ do tên lửa Trường Chinh 2F triển khai từ một bãi phóng ở thị trấn Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi.
Module lõi của trạm vũ trụ Thiên Hà, nặng 22,5 tấn, được phóng vào ngày 29/4 bằng tên lửa Trường Chinh 5B. Sự kiện đã được truyền thông quốc tế đưa tin dữ dội do tầng lõi của phương tiện phóng bị mất kiểm soát và rơi tự do xuống Trái Đất. Rất may là nó đã bị thiêu rụi phần lớn trên bầu khí quyển và tan rã trên Ấn Độ Dương vào hôm 9/5.
Phương Linh (T/h)