Trong tháng 9 có thể nhận thêm 16 - 17 triệu liều vắc xin COVID-19
Dự kiến trong tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm khoảng 16 - 17 triệu liều vắc xin, đồng thời cần tiếp tục cố gắng để có thể đạt số lượng vắc xin chuyển về nhiều hơn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó Thường trực Tổ công tác cho biết trong tháng 8, số lượng vắc xin mà Việt Nam đã nhận được tăng đáng kể, với hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vắc xin đến nay ta đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều.
Việt Nam cũng đã tiếp cận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị hiệu quả từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ…; tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, máy tạo oxy, oxy lỏng, máy xét nghiệm PCR, bộ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế,… trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác thông tin thêm, dự kiến trong tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm khoảng 16 - 17 triệu liều vắc xin, đồng thời cần tiếp tục cố gắng để có thể đạt số lượng vắc xin chuyển về nhiều hơn.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 70% dân số, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022. Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 19,8 triệu người, trong đó số người tiêm một mũi là 16 triệu, tiêm đủ hai mũi là 3,8 triệu.
Dự kiến trong tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm khoảng 16-17 triệu liều vắc xin.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhất trí với các hướng vận động, triển khai ngoại giao vắc xin được đề xuất tại cuộc họp, đồng thời chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh vận động ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong các khuôn khổ song phương và đa phương; liên tục rà soát; đôn đốc các hãng sản xuất vắc xin đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc xin cho Việt Nam; vận động các đối tác có khả năng dôi dư nhượng lại hoặc cho vay.
Tổ công tác cũng cần tìm hiểu các loại vắc xin mới và tiềm năng đang được phát triển để sớm tiếp cận; đề xuất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công nghệ sản xuất vắc xin và hỗ trợ tối đa phát triển vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ về vắc xin.
Ông Sơn cũng đề nghị nghiên cứu, xúc tiến ngay kế hoạch tiếp cận và vận động vắc xin cho năm 2022; đồng thời, cần tiếp cận mạnh hơn thuốc đặc trị COVID-19, tiếp tục vận động các đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ công tác phòng chống dịch của nước ta.
Nhấn mạnh thông điệp xuyên suốt của Đảng và Chính phủ là tiêm chủng vắc xin bao phủ, miễn phí cho toàn dân và cho người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định ngoại giao vắc xin trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách, với yêu cầu đặt ra là phải có vắc xin càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.
Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 5/9 về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong 1 - 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin.
Thủ tướng nhấn mạnh khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vắc xin thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn,... Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Phương Mai (T/h)