Trung Quốc: Quốc gia hiếu chiến nhất biển Đông
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường 9 đoạn”, quốc gia này liên tục gây hấn với tất cả các nước trong khu vực biển Đông và Hoa Đông, bất chấp luật pháp quốc tế về biển.
- Dụng “bài cũ” với VNCH và Philippines, Trung Quốc ắt sẽ thảm bại
- Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như thế nào?
- Trung Quốc chi bao nhiêu cho quốc phòng trong năm 2014?
- Trung Quốc nói sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp biển Đông
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc "gây bất ổn" ở biển Đông
- Nhật, Mỹ phản ứng sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
- Giáo sư Francois Huchet: Trung Quốc có thể đang sai lầm lớn
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
“Đường lưỡi bò” và những vụ gây hấn trên biển Đông
Theo quan sát của nhiều chuyên gia, dường như cứ trước mỗi kỳ đối thoại Shangri-la, Trung Quốc lại có những hành động mang tính gây hấn trên biển. Những hành động này đã khiến cho tình hình biển Đông (kể cả biển Hoa Đông) trở nên đặc biệt nguy hiểm. Chỉ tính riêng trên biển Đông và với Việt Nam từ năm 2009 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng có hành động gây hấn.
Bản đồ “Đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển.
Trước khi kỳ đối thoại Shangri-la 2011 diễn ra 10 ngày, vào lúc 5h58’ ngày 26/5/2011, ba tàu Hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vị trí mà 3 tàu Hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh - Phú Yên khoảng 120 hải lý.
Tình hình trên biển Đông còn căng thẳng hơn trước thềm đối thoại Shangri-la 2012. Đó là vào đầu tháng 4/2012, Trung Quốc đã phá vỡ hiện trạng tại bãi cạn Scarborough (hay còn gọi là bãi Hoàng Nham – cách gọi của Trung Quốc), lúc đó đang trong tầm kiểm soát của Philippines. Không chỉ dừng ở mức “dằn mặt” và đe dọa Philippines, Trung Quốc đã chiếm luôn quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra chiếm đóng quanh bãi cạn này.
Sang năm 2013, cũng trước thềm Shingri-la, ngày 20/3/2013, tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96382TS của ngư dân Quảng Ngãi.
Rồi mới đây nhất, trước thềm hội nghị Shangri-la 2014 1 tháng, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 ở vị trí nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý về phía Đông.
Sự gây hấn của Trung Quốc trong suốt 4 năm qua đang có xu hướng mở rộng, táo tợn và liều lĩnh hơn, bộc lộ rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, từng bước leo thang để hiện thực hóa yêu sách “Đường lưỡi bò” (tức “đường 9 đoạn”) phi pháp.
Cuộc “Chiến tranh 3 mặt” của Trung Quốc trên biển
Báo Want Daily (Đài Loan) mới đây có bài bình luận, nói Trung Quốc đang mở rộng “chiến tranh 3 mặt” hòng đạt được tham vọng ở biển Đông.
Khái niệm “chiến tranh 3 mặt” được nhắc đến lần đầu bởi Richard Hu, phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh, Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Bắc) vào năm 2003. Theo Richard Hu, “chiến tranh 3 mặt” của Trung Quốc bao gồm: Chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
Hu cho rằng, đối tượng đầu tiên Trung Quốc áp dụng chiến thuật này ở Biển Đông là Philippines, quốc gia đã nộp bộ hồ sơ lên đến 4.000 trang đến tòa án The Hague với các luật quốc tế về biển. Bộ hồ sơ nhằm vạch trần âm mưu yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với bãi cạn Scarborough. Ngày 3/6/2014, Philippines đã yêu cầu Trung Quốc trả lời khiếu nại của họ, nhưng Trung Quốc tuyên bố không tham gia vào vụ kiện. Theo Hu, đây là dấu hiệu cho thấy “chiến tranh 3 mặt” đang được áp dụng.
Theo sự phân tích của Hu, dù Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện nhưng họ sẽ tìm cách thâu tóm dư luận bằng những bằng chứng đã chuẩn bị từ trước thông qua các kênh không chính thức. Bên cạnh đó là những báo cáo mạnh mẽ trên trường quốc tế, gây ảnh hưởng đến dư luận.
Tuy nhiên, Hu cũng cho rằng, hiện nay Trung Quốc không có nhiều bằng chứng để có thể lập luận về chủ quyền của mình ở biển Đông. Do đó, Trung Quốc vẫn còn nhiều điều phải làm nếu muốn vận dụng triệt để “chiến tranh 3 mặt” ở biển Đông.
Trung Quốc đang cố gắng biến “không thành có”
“Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được”. Đó là lời của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN ngày 28/5. Theo đó, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách “tạo ra thực tế mới” trên biển Đông.
Các đội tàu đánh cá nằm trong chiến lược “chiếc mộc sống” của Trung Quốc.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.
Trái lại, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Amanpour vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đưa ra ba “thực tế” (facts) về biển Đông. Những “thực tế” này bao gồm: Thứ nhất, giàn khoan của Trung Quốc hoạt động cách 17 hải lý từ “một hòn đảo của Trung Quốc” (hòn đảo Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam – PV) và cách bờ biển Việt Nam 150 dặm; Thứ hai, Trung Quốc chỉ có một giàn khoan trong khu vực không có tranh chấp, trong khi Việt Nam có 30 giàn khoan hoạt động ở khu vực có tranh chấp (ngụy biện – PV); Và thứ ba, Trung Quốc chỉ có tàu dân sự và tàu công vụ ở hiện trường, trong khi Việt Nam có tàu quân sự và tàu có vũ trang (cũng ngụy biện – PV).
“Chúng tôi không muốn chứng kiến xung đột trong khu vực. Nhưng điều này không phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Nước khác cũng phải có quan điểm và chính sách mang tính xây dựng mới được”, ông Thôi Thiên Khải nói.
Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã bác bỏ luận điệu trên của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc đang tìm cách tạo ra “thực tế mới”, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi không thể chấp nhận sự cưỡng ép, chúng tôi không thể chấp nhận sự đe dọa. Và khi vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trở thành mối lo ngại, người dân Việt Nam rất quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tuyên bố.
Thanh Trà (tổng hợp)