Trước 'biến động', kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) kinh doanh ra sao?

09:11, 08/09/2024

Công ty cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) vừa bổ nhiệm ông Kelly Wong làm Quyền Tổng giám đốc mới. Vậy, trước biến động này, Công ty cổ phần VNG đang làm ăn ra sao?

Kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam

Công ty cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) vừa bổ nhiệm ông Kelly Wong làm Quyền Tổng giám đốc mới. Trước đó, ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc của VNG. Còn ông Kelly Wong là Phó tổng giám đốc Khối Trò chơi trực tuyến tại doanh nghiệp này.

VNG được thành lập từ năm 2004, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến. Ngoài việc phát hành trò chơi trực tuyến, VNG còn sở hữu ứng dụng Zalo, nền tảng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 và ví điện tử ZaloPay.

Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD theo World Start-up Report, trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.

Sau đó, VNG ấp ủ kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế trong nhiều năm. Năm 2017, công ty từng ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này kéo dài cho đến tháng 8/2023, VNG có nộp hồ sơ niêm yết lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).

Nhưng sau đó, VNG lại rút hồ sơ, không tiến hành đăng ký niêm yết và cho biết sẽ nộp hồ sơ đăng ký mới trong tương lai. Không một lý do nào được doanh nghiệp đưa ra.

Trụ sở công ty VNG ở quận 7, TP HCM.

Tại Việt Nam, VNG đưa hơn 35,8 triệu cổ phiếu giao dịch trên UPCoM từ đầu năm 2023, với giá tham chiếu ban đầu là 240.000 đồng/cổ phiếu. Sau sự kiện này, ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông chỉ còn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Người tiếp quản vị trí thay ông Minh từ đó đến nay là ông Võ Sỹ Nhân.

Cổ phiếu VNZ từ khi được đưa lên giao dịch UPCoM đến nay đều giữ vị trí "ngôi vương" về thị giá trên thị trường chứng khoán. Có thời điểm, cổ phiếu này tăng lên hơn 1,4 triệu đồng/đơn vị. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, cổ phiếu VNZ có giá 480.000 đồng/đơn vị, gấp 2 lần so với khi mới gia nhập thị trường. 

Từ khi giao dịch trên UPCoM tới nay, VNG thi thoảng lại bị phạt hành chính. Hồi đầu tháng 8 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt hành chính 157,5 triệu đồng do không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, công bố thông tin không đầy đủ.

Cụ thể, VNG đã không công bố thông tin về Nghị quyết HĐQT ngày 8/9/2022 thông qua việc thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ nợ của Công ty cổ phần Công nghệ Big V (là cổ đông lớn và là bên liên quan); công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2023.

Công ty còn không công bố đầy đủ thông tin trong năm 2022 và 2023 về giao dịch liên quan với Công ty công nghệ Big V. Theo đó, VNG đã sử dụng tài khoản tiền gửi tại Citibank - chi nhánh Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay của cổ đông lớn là Big V tại Citibank - chi nhánh Singapore.

Cuối năm 2023, VNG cũng bị UBCKNN phạt 85 triệu đồng vì lỗi công bố thông tin, không công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét. VNG công bố không đúng thời hạn với các tài liệu: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; báo cáo thường niên năm 2022.

Năm nay, VNG đặt mục tiêu doanh thu 11.069 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 150 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ của năm trước.

HĐQT định hướng công ty sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường. Ngoài việc tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm như trò chơi điện tử, quảng cáo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, công ty sẽ tăng trưởng đầu tư cho các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

VNG đặt mục tiêu 3 năm tới, doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối trò chơi trực tuyến và điện toán đám mây AI sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn doanh thu trong nước.

VNG (VNZ) kinh doanh ra sao?

CTCP VNG (UpCOM: VNZ) cũng vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 với doanh thu thuần đạt hơn 4.313 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ chi phí, tập đoàn vẫn lỗ sau thuế hơn 585 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ 1.205 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, sau kiểm toán, doanh nghiệp lỗ thêm hơn 65 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Đây là năm thứ tư liên tiếp VNG ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng mức độ lỗ đã cải thiện rõ rệt. Theo giải trình từ VNG, sự thay đổi trong chính sách kế toán từ năm 2023 là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tiếp tục âm.

Lợi nhuận sau thuế CTCP VNG. Nguồn: Tổng hợp

Cụ thể, doanh thu từ các trò chơi trực tuyến giờ đây được ghi nhận dựa trên dữ liệu chi tiết của người chơi, thay vì theo phương pháp cũ. Điều này đã dẫn đến việc ghi nhận doanh thu chưa thực hiện cho phần nghĩa vụ chưa hoàn thành đối với người chơi, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế.

Ngoài ra, chênh lệch lỗ sau kiểm toán từ 5% trở lên còn xuất phát từ việc điều chỉnh giảm lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và thuế TNDN hoãn lại, làm tăng chi phí thuế trong kỳ. Việc điều chỉnh này được áp dụng từ ngày 1/1/2023 và không hồi tố, gây tác động lớn đến kết quả tài chính của VNG trong năm nay.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng giá trị tài sản của VNG đạt hơn 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 6% so với thời điểm đầu năm.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt gần 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với đầu kỳ, trong nợ ngắn hạn chiếm hơn 78%, tương ứng 6,65 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.435 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 595 tỷ đồng; tương ứng tổng nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 2.030 tỷ đồng.